Hàng giá rẻ ngập tràn khiến hàng nội địa thất thế ngay trên sân nhà

Hàng hóa Trung Quốc với chiến lược giá rẻ và mẫu mã đa dạng đang chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là trong ngành thời trang, gặp khó khăn và buộc phải rút lui khỏi cuộc chơi.

Tràn ngập từ trên mạng đến chợ truyền thống

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang “trợ lực” cho hàng giá rẻ Trung Quốc xâm nhập ồ ạt vào thị trường tiêu dùng nước ta. Bên cạnh các sàn thương mại điện tử đua nhau ưu đãi giảm giá, việc nhiều KOL, KOC (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) gồm cả những người Việt đang sinh sống tại Trung Quốc liên tục triển khai các chiến dịch truyền thông và livestream bán hàng trực tiếp từ Trung Quốc cũng thu hút lượng lớn người tiêu dùng.

Chỉ cần vào mạng xã hội, người tiêu dùng Việt có thể dễ dàng mua được hàng giá rẻ Trung Quốc như 99.000 đồng cho 6 cái vỏ gối, bộ dao 3 món nhập khẩu bán 99.000 đồng, nồi lẩu gần 900.000 đồng nhưng giảm còn 199.000 đồng... và hàng loạt đồ dùng gia dụng nồi, ấm... với giá cả phải chăng. Hay quần áo, giày dép Quảng Châu (Trung Quốc) được bán với giá chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng...

Hàng giá rẻ Trung Quốc ngập tràn từ trên mạng tới chợ truyền thống (Ảnh: Lê Tỉnh)

Chủ một kênh livestream bán hàng thời trang cho biết, trước đây thường bán xen kẽ hàng Việt và Trung. Nhưng hơn 1 năm nay, chị chuyển sang bán hàng Trung Quốc vì hàng nhập về quá dễ dàng, mẫu mã đa dạng. Một đôi giày bình dân hàng Trung chỉ khoảng 100.000 - 150.000 đồng, trong khi hàng Việt cùng phân khúc này 150.000 - 200.000 đồng. Chưa kể Trung Quốc có đến cả 30 - 40 mẫu giày, gần như tháng nào cũng có mẫu mới nên dễ bán hơn hẳn.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam, các nhà kinh doanh Trung Quốc cũng không ngừng đầu tư mạnh vào các tổng kho, trung tâm livestream khổng lồ gần biên giới. Chính điều này khiến việc mua hàng trở nên rẻ hơn, thời gian giao hàng nhanh, thậm chí nhanh hơn so với việc mua hàng trong nước.

Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, mỗi ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử. Mỗi đơn hàng thường có giá rất rẻ, từ 100.000 - 300.000 đồng. Điều này đang tạo ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước, khi hạ tầng logistics trong nước còn phát triển chậm so với nhu cầu.

Không chỉ lấn át hàng nội địa trên mạng, tại các chợ truyền thống, hàng Trung Quốc cũng tràn ngập, từ quần áo, giày dép, túi xách đến thực phẩm và đồ dùng gia đình. Nhiều tiểu thương và nhà bán lẻ tại các chợ truyền thống, cũng như các siêu thị lớn, đã dần chuyển sang ưu tiên hàng Trung Quốc nhờ vào lợi thế giá rẻ, khả năng cung ứng nhanh chóng, ổn định và mẫu mã phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng.

Điển hình ở nhiều chợ truyền thống tại TP. HCM, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn hàng Việt Nam từ 20 - 35%. Với khoảng 250.000-350.000 đồng, khách hàng có thể mua một chiếc áo hoặc bộ đầm Trung Quốc chất liệu mát, trong khi các sản phẩm nội địa cùng chất liệu có giá từ 350.000 - 450.000 đồng.

Nhiều thương hiệu Việt biến mất trên thị trường

Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn ngập khiến nhiều doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn, trong đó phải kể đến lĩnh vực thời trang. Năm 2024 chứng kiến hàng loạt cuộc chia tay đầy tiếc nuối của các local brand, bắt nguồn từ nhiều yếu tố khách quan như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, sự lên ngôi của thương mại điện tử, cho đến những lý do chủ quan từ chính các thương hiệu.

Điều này khiến bản đồ thời trang Việt Nam mất đi nhiều cái tên quen thuộc, từng có chỗ đứng vững chắc suốt nhiều năm. Giữa tháng 11, Lep' - một local brand nổi bật, đã thông báo khép lại hành trình 8 năm hoạt động với một bài post chia sẻ cảm xúc. Trước khi đóng cửa, Lep' cũng đã kịp cho ra mắt bộ sưu tập áo dài Tết cuối cùng như một lời tri ân đến khách hàng trung thành suốt những năm qua. Thương hiệu này chính thức "rời cuộc chơi" khiến không ít người yêu thích váy hoa và áo dài tiếc nuối.

Thông báo dừng hoạt động của thương hiệu Lep'

Trước đó, CATSA – một local brand nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang nam đã chia tay thị trường Việt Nam sau 13 năm phát triển. Sau khi đóng cửa tất cả 22 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối tháng 8, thương hiệu vốn nổi bật với phong cách tối giản và tiện dụng, không thể trụ vững trước sự cạnh tranh khốc liệt.

MIEU - thương hiệu đã gắn bó với thanh xuân của nhiều cô gái nhờ vào các sản phẩm bình dân và dễ mặc, cũng không thể tiếp tục duy trì trong thị trường cạnh tranh khốc liệt của các local brand hiện nay. Với phân khúc bình dân, MIEU đã không thể theo kịp sự đổi mới liên tục về xu hướng và giá cả, khiến nhiều khách hàng trung thành phải thừa nhận thương hiệu đã dần "hụt hơi".

Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu Công nghiệp TP. HCM (HBA) cho rằng, hàng hóa Trung Quốc được phân phối theo chiến lược giá rẻ và mẫu mã đa dạng, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Do đó, việc hàng Trung Quốc ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường là điều dễ hiểu, bởi sản phẩm của họ có mặt gần như ở mọi nhóm hàng, ở mọi nơi.

Theo ông Hiến, không chỉ chiếm lĩnh các lĩnh vực giày da, may mặc, đồ gia dụng, mà ngay cả ngành sản xuất thực phẩm của Trung Quốc hiện nay cũng đang nhanh chóng xâm nhập và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.