Hàng nghìn tỷ đồng “đổ” vào trái phiếu bất động sản: Tín hiệu tốt hay “lằn ranh đỏ” của thị trường?

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là năm 2024 kết thúc, nhưng một số doanh nghiệp bất động sản đã "chạy nước rút" huy động hơn 5.500 tỷ đồng trái phiếu. Đáng chú ý, hoạt động này diễn ra khi 55% tổ chức phát hành bị đánh giá tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" hoặc thấp hơn.

Ngày 11/12/2024, Công ty Cổ phần Huy Dương Group thông báo đã hoàn tất đợt phát hành 9.000 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng mỗi trái phiếu, tổng giá trị phát hành đạt 900 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, sẽ đáo hạn vào ngày 09/12/2029, với lãi suất cố định 12,5%/năm và chu kỳ trả lãi mỗi 6 tháng.

Doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu

Huy Dương Group, thành lập tháng 6/2020 dưới hình thức công ty TNHH với vốn điều lệ 100 triệu đồng, có cổ đông sáng lập là Công ty CP Đầu tư MST. Đầu tư MST là doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án bất động sản lớn như I-Tower Quy Nhơn (hai tòa tháp cao 41 tầng), khu shophouse thị trấn Phùng (Hà Nội), và dự án nghỉ dưỡng Ba Vì (3,1 ha).

Tháng 11/2024, MST và Huy Dương Group ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Greenhill Village Quy Nhơn trị giá 1.810 tỷ đồng, thời hạn góp vốn 180 ngày. Đầu tháng 12/2024, MST công bố trúng đấu giá khoản nợ của Công ty Cổ phần Greenhill Village tại VietinBank – Chi nhánh Thủ Thiêm, với giá trị 410 tỷ đồng. Chưa đầy 10 ngày sau, Huy Dương Group huy động thành công gần 1.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, Công ty Allgreen - Vượng Thành - Trùng Dương, một công ty liên doanh giữa Công ty TNHH Allgreen - Vượng Thành (Singapore) và TDG Group, cũng gây chú ý. Công ty này được thành lập năm 2008 để triển khai dự án The Maris Vũng Tàu với diện tích 23 ha. Dự án mất 10 năm hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chỉ bắt đầu xây dựng từ năm 2018.

Một số doanh nghiệp bất động sản đã "chạy nước rút" huy động hơn 5.500 tỷ đồng trái phiếu

Ngày 3/12 vừa qua, sau khi huy động 1.735 tỷ đồng trái phiếu, công ty này đã đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Sản xuất Trường Phú, được thành lập vào tháng 7/2024. Tổng giám đốc TDG Group, ông Bùi Ngọc Tuấn, cũng là người đứng đầu Allgreen - Vượng Thành - Trùng Dương và sở hữu hơn 5,8% vốn TDG Group.

Cùng thời điểm, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) thông báo đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.080 tỷ đồng với kỳ hạn 4 năm và lãi suất 10,7%/năm vào ngày 2/12/2024. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng 19 thửa đất có tổng giá trị định giá hơn 1.700 tỷ đồng.

Theo Becamex IDC, số tiền từ đợt phát hành này được dùng để tái cơ cấu các khoản nợ tại BIDV Chi nhánh Bình Dương và VietinBank Chi nhánh Đồng Nai. Trước đợt phát hành, Becamex IDC vẫn đang có dư nợ trái phiếu hơn 11.126 tỷ đồng từ các lần huy động trước đó.

Trước đó, hồi cuối tháng 11, Công ty CP Dịch vụ Quản lý Tài sản Việt Nam (VPMS) đã huy động thành công lô trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng, có kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành 10%/năm.  Số tiền từ đợt phát hành được VPMS sử dụng để góp vốn hợp tác kinh doanh với Công ty CP Phát triển Golf Thiên Đường nhằm phát triển dự án Paradise Golf tại Hà Nam. Đáng chú ý, tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu chính là dự án Paradise Golf.

Đáng nói, công ty VPMS, được thành lập vào năm 2021 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 8,9 tỷ đồng, đã tăng vốn lên 310 tỷ đồng vào ngày 24/10, khoảng một tháng trước khi hoàn tất đợt phát hành trái phiếu. Với mức vốn điều lệ này, dư nợ trái phiếu của VPMS hiện cao gấp 5,5 lần vốn điều lệ của công ty.

Vẫn băn khoăn về chất lượng

Theo báo cáo từ VIS Ratings, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao tại nhiều tổ chức. Đáng chú ý, 55% tổ chức phát hành được đánh giá tín nhiệm ở mức "Dưới trung bình" hoặc thấp hơn, chủ yếu thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở và Xây dựng. Điều này đặt ra những rủi ro tiềm tàng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức.

Tuy nhiên, VIS Ratings nhấn mạnh rằng việc dư nợ trái phiếu vượt xa vốn điều lệ không phải lúc nào cũng là dấu hiệu đáng lo ngại, miễn là tổ chức phát hành có nền tảng tài chính ổn định, lợi nhuận khả quan và dòng tiền kinh doanh dương. Đối với các doanh nghiệp địa ốc, tài sản đảm bảo với pháp lý đầy đủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro khi phát hành trái phiếu.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu ở mức rất cao tại nhiều tổ chức

Trường hợp của VPMS là một ví dụ điển hình. Lợi nhuận trước thuế và trước khấu hao (EBITDA) của công ty trong hai năm 2022 và 2023 chỉ đạt lần lượt 4 tỷ đồng và 8 tỷ đồng, cho thấy nguồn lực tài chính còn khá hạn chế. VIS Ratings đánh giá, với doanh thu từ dịch vụ bất động sản chưa đáng kể, VPMS sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc bán hàng và huy động vốn từ khách hàng cho dự án Paradise Golf. Nếu tiến độ xây dựng và bán hàng không đạt kỳ vọng, công ty sẽ gặp rủi ro lớn về tái cấp vốn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.

Thực tế, khả năng trả nợ của ngành bất động sản trong quý III/2024 vẫn duy trì ở mức yếu. Theo thống kê, hơn một nửa số chủ đầu tư trong danh sách theo dõi của VIS Ratings có hồ sơ đòn bẩy tài chính và khả năng trả nợ ở mức thấp. Nguyên nhân chính là việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong giai đoạn 2021-2023 để phát triển dự án, cùng với tình trạng tồn kho chưa bán được do tâm lý thị trường bất lợi từ năm 2023.

Đáng chú ý, trong tháng 12/2024, 15/51 lô trái phiếu đến hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc, với phần lớn đã chậm trả lãi trước đó. Tỷ lệ trái phiếu có nguy cơ chậm trả gốc trong tháng này tăng lên 30%, so với 20% trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong vòng 12 tháng tới, dự kiến sẽ có khoảng 105.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn thuộc nhóm ngành Bất động sản Nhà ở, chiếm 45% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn, trong đó khoảng 21.000 tỷ đồng được ước tính có nguy cơ chậm trả nợ gốc.

Việc phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam. Trong khi các quốc gia phát triển có quy mô thị trường trái phiếu đạt 50-70% GDP, tỷ lệ này ở Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 mới đạt chưa tới 10% GDP. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển bền vững, các tổ chức phát hành cần cải thiện tính minh bạch, nâng cao chất lượng tài chính, đồng thời tăng cường quản lý và giám sát nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp.