Tại hội thảo “Toàn cảnh thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025” với chủ đề “Phát triển bền vững thị trường vốn Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định cơ cấu tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang thiếu sự đa dạng khi chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng.
Thị trường TPDN đang “gay go”
Tuy nhiên, việc huy động vốn qua kênh TPDN của các ngân hàng chủ yếu nhằm tăng vốn cấp 2, từ đó hỗ trợ mở rộng huy động và cho vay; còn các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn, kéo theo sự ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường TPDN. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa ở lĩnh vực khác cũng rơi vào tình trạng thiếu vốn nhưng không thể tham gia thị trường này do kỳ hạn ngắn (khoảng 3 năm) và lãi suất cao.
Cụ thể, trong 11 tháng qua cho thấy, ngân hàng vẫn là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất, với sự chuyển dịch rõ rệt từ năm 2023 đến nay. Trong giai đoạn tháng 7 - 9/2023, lượng trái phiếu phát hành của nhóm ngân hàng và bất động sản tương đối cân bằng, nhưng hiện tại, phần lớn lượng trái phiếu phát hành mới đến từ các tổ chức tín dụng, còn bất động sản vẫn giữ vị trí thứ hai.
Điều này cho thấy, thị trường TPDN chưa thực sự phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đặc biệt khi thiếu vắng sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Ông Nghĩa nhận định, cấu trúc thị trường trái phiếu phản ánh thực trạng nền kinh tế Việt Nam, dù GDP tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư và bán lẻ - các lĩnh vực do doanh nghiệp có vốn FDI chiếm ưu thế, trong khi doanh nghiệp nội địa chỉ đóng vai trò nhỏ. Nếu thị trường TPDN tiếp tục tập trung vào bất động sản và ngân hàng, tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, làm suy giảm tính bền vững và tự chủ của nền kinh tế.
Theo ông Nghĩa, để tháo gỡ khó khăn trên thị trường TPDN cần ưu tiên giải quyết các dự án bất động sản lớn đang "đắp chiếu" tại các tỉnh thành. Bởi lẽ, chỉ khi thị trường bất động sản phục hồi, kênh dẫn vốn này mới có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa tệp khách hàng tham gia thị trường cũng là yếu tố cần thiết lúc này.
Cần chuẩn hoá thông tin để hút vốn ngoại
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ tại Công ty CP Chứng khoán SSI cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế để đa dạng hóa tệp khách hàng và gia tăng nguồn vốn trên thị trường TPDN. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần có những hướng dẫn cụ thể hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 3% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với sự cải thiện về khung pháp lý, tiềm năng mở rộng quy mô từ nhóm nhà đầu tư này là rất lớn. Theo FiinRatings, các nhà đầu tư ngoại có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng chấp nhận rủi ro cao, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển thị trường.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings đã chỉ ra, các quỹ đầu tư lớn thường chọn hình thức ủy thác khi đầu tư vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, Việt Nam hiện thiếu các định chế tài chính và quỹ quản lý đầu tư chuyên nghiệp, điều này làm hạn chế khả năng thu hút vốn. Do đó, cần đẩy mạnh phát triển các quỹ đầu tư trong nước để hỗ trợ thị trường.
Để thu hút vốn ngoại, việc chuẩn hóa thông tin minh bạch, đa dạng hóa sản phẩm, triển khai hệ thống xếp hạng tín nhiệm và xây dựng khung pháp lý cho các công ty bảo lãnh trái phiếu là rất cần thiết. Ngoài ra, việc cung cấp dữ liệu đầy đủ về xác suất vỡ nợ và lịch sử thị trường trái phiếu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro và tăng cường sự tin tưởng của nhà đầu tư quốc tế. Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn e ngại do số lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng còn hạn chế và thiếu dữ liệu quan trọng về rủi ro vỡ nợ.
Mới đây, Luật Chứng khoán (sửa đổi), có hiệu lực từ đầu năm 2025, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn ngoại vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Những quy định không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho khối ngoại tham gia thị trường TPDN, mà còn đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với đối tượng tham gia TPDN riêng lẻ.
Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân chỉ được mua, bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong hai trường hợp: khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm và có tài sản bảo đảm, hoặc khi trái phiếu được bảo lãnh thanh toán bởi tổ chức tín dụng. Các quy định này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư, khuyến khích họ quay trở lại thị trường và khôi phục sự sôi động vốn có của kênh huy động vốn này.
Trước ý kiến những quy định mới có thể khiến nhà đầu tư “ngại” tham gia thị trường, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành FIDT cho biết, quy định mới không ảnh hưởng đến thanh khoản, bởi sau các sự cố gần đây trên thị trường, những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp “ảo” đã không còn. Về lâu dài, các quy định này sẽ góp phần xây dựng một thị trường TPDN lành mạnh và minh bạch hơn.