Hơn 91.000 tài xế bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn mỗi tháng

3 tháng đầu năm 2024, cảnh sát giao thông đã xử lý 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trung bình hơn 91.000 trường hợp/tháng. Nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông.

Mỗi tháng trung bình có hơn 91.000 người bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn

Ngày 31/3, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, quý I/2024, lực lượng CSGT đã quyết liệt trong việc xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Theo đó, hơn 1 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đã bị xử lý, 206.468 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn bị tước và 373.545 phương tiện các loại bị tạm giữ. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ vi phạm bị xử lý tăng 285.135 trường hợp (hơn 38%).

Trong số các vi phạm đường bộ, có 275.130 tài xế (trung trình mỗi tháng hơn 91.000 người) bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn, chiếm 26,8%. Năm 2023, xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao kỷ lục với 770.000 trường hợp, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Một cán bộ cảnh sát giao thông chia sẻ, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn nghiêm khắc hơn, từ đó nâng cao hơn ý thức của người dân trong việc sử dụng bia rượu trước khi tham gia giao thông. Số vụ tai nạn có nguyên nhân từ bia, rượu cũng theo đó giảm xuống.

Hiện nay, lực lượng CSGT trên cả nước đang triển khai đợt cao điểm xử lý nghiêm 5 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, trong đó có nồng độ cồn. Cảnh sát giao thông các địa phương đã triển khai nhiều tổ công tác chốt trực trên những tuyến đường, thậm chí trong cả những con hẻm, kết hợp các biện pháp nghiệp vụ để có thể xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định này.

Anh L.M.H ngỡ ngàng khi CSGT vào tận hẻm để kiểm tra nồng độ cồn

Anh L.M.H (SN 1978, ngụ quận 4, TP. HCM) chia sẻ, tới tận khi bị lập biên bản vi phạm nồng độ cồn, anh vẫn còn ngỡ ngàng vì không nghĩ cảnh sát giao thông sẽ vào hẻm để kiểm tra. Theo đó, anh lái xe máy chở 2 con gái trong hẻm của đường Lò Siêu thì bị CSGT chặn lại kiểm tra. Kết quả phát hiện nồng độ cồn của anh H. ở mức 0,077mg/lít khí thở. Khi đó, anh H. có chống chế với tổ công tác rằng, anh mới lái xe trong hẻm chứ chưa ra đường lớn. Một cán bộ CSGT giải thích, hẻm vẫn là đường. Khi sử dụng rượu bia lái xe trong hẻm nhỏ hay đường lớn đều vi phạm luật giao thông đường bộ. Lúc này, anh H. mới ký vào biên bản xử phạt 2,5 triệu đồng.

Vào lúc 21h45 ngày 31/3, tại khu vực cầu Trần Khánh Dư, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 1 (TP. HCM) phát hiện chị T.T.N.N. (SN 1989, quê Thừa Thiên Huế) lái xe máy chở bạn bỏ chạy vào hẻm khi thấy lực lượng chức năng. Ngay lập tức, tổ công tác đã cắt cử cán bộ đuổi theo chặn xe, rồi đưa về chốt.

Tại đây, kết quả kiểm tra nồng độ cồn của chị N. ở mức 0,5mg/lít khí thở. Tổ công tác lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng, tạm giữ xe 7 ngày. Chị N. cho biết, chị và bạn liên hoan chia tay nên uống tầm 3 lon bia. Chị cũng lo bị thổi nồng độ cồn nên đã thuê khách sạn cách quán tầm 1km để ngủ lại. Chị không ngờ vừa ra khỏi quán đã bị CSGT kiểm tra.

Một lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an quận 1 chia sẻ, sau thời gian quyết liệt kiểm tra nồng độ cồn, số người tham gia giao thông vi phạm về hành vi này trên địa bàn đã giảm hẳn. CSGT kiểm tra mỗi đêm hàng trăm trường hợp nhưng chỉ phát hiện vài tài xế vi phạm.

Vị lãnh đạo này cũng khuyến cáo, ngoài việc chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn, người dân khi lái xe máy ra đường cần tuân thủ tốc độ, đội nón bảo hiểm, chú ý quan sát, đi đúng phần đường và làn đường, như vậy mới bảo vệ được bản thân và người xung quanh.