Hồng Kông đau đầu vì gian lận tài chính trực tuyến gia tăng nhanh, AI được xem là "cứu cánh"

Gian lận trực tuyến tại Hồng Kông (Trung Quốc) gần như đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, đưa thành phố 7,5 triệu dân này lên vị trí đứng đầu thế giới về mức tổn thất bình quân đầu người. Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp công nghệ để chống lại hoạt động này, bao gồm việc ứng dụng AI.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng nhanh chóng

Theo tính toán, tổng giá trị lừa đảo trực tuyến gần như tăng gấp đôi vào năm ngoái tại Hồng Kông (Trung Quốc) lên 9,18 tỷ đô la Hồng Kông, trong khi số vụ việc tăng vọt 42,6% lên 39.824 vụ, đưa thành phố 7,5 triệu dân này lên vị trí đứng đầu thế giới về tổn thất bình quân đầu người do gian lận. Trong đó, lừa đảo đầu tư chiếm 5,9 tỷ đô la Hồng Kông.

Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cho biết, các khiếu nại liên quan đến APP (thiết bị đi động) đã tăng vọt 16% trong 6 tháng đầu năm, trong khi dữ liệu của cảnh sát cho thấy tổn thất tài chính từ các vụ án tội phạm mạng tăng 31% lên 2,66 tỷ đô la Hồng Kông.

Lừa đảo công nghệ trực tuyến đang gia tăng phức tạp tại Hồng Kông.

HKMA, cơ quan giám sát 149 ngân hàng được cấp phép tại thành phố, đã triển khai một bộ ứng dụng và biện pháp để bảo vệ công chúng khỏi lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, đây chỉ là các biện pháp từng phần trong một khoảng trống pháp lý, nơi các ngân hàng và mạng xã hội không có nghĩa vụ pháp lý phải loại bỏ gian lận, trong khi luật về tội phạm mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Johnny Ng Kit-chong, một nhà lập pháp tại cơ quan lập pháp Hồng Kông và là người sáng lập liên minh chống lừa đảo, cho biết: "Hồng Kông đang chậm trễ trong việc ban hành luật chống lừa đảo". Việc ngăn chặn các khoản thanh toán đáng ngờ có thể là một thách thức vì các ngân hàng "cung cấp cho nền tảng các điều khoản và thỏa thuận cần thiết", Chad Olsen, Giám đốc điều hành pháp y tại Hồng Kông của KPMG Trung Quốc cho biết. "Nghĩa vụ của họ là báo cáo bất kỳ giao dịch đáng ngờ nào", chứ không phải chủ động ngăn chặn chúng, ông nói.

Lilian Sin, giám đốc dịch vụ tuân thủ tội phạm tài chính tại Hồng Kông của KPMG Trung Quốc đồng ý với ý kiến kể trên. Bà cho biết, việc phát hiện "các giao dịch liên quan đến lừa đảo tại đúng thời điểm chúng diễn ra có thể khá khó khăn".

Raymond Chan, Giám đốc điều hành của HKMA về thực thi và chống rửa tiền (AML) cho biết, HKMA có kế hoạch sửa đổi các quy định tại Hồng Kông để cho phép các ngân hàng được ủy quyền chia sẻ thông tin về các tài khoản cá nhân bị nghi ngờ có liên quan đến tội phạm tài chính. Hiện tại, chỉ thông tin về các tài khoản công ty đáng ngờ mới có thể được chia sẻ theo một nền tảng có tên là Công cụ chia sẻ đánh giá tình báo tài chính vì những lo ngại về quyền riêng tư.

HKMA cũng sẽ mở rộng phạm vi cảnh báo ngoài Hệ thống Thanh toán nhanh hơn để bao gồm cả giao dịch ngân hàng trực tuyến và giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng, dựa trên cơ sở dữ liệu của cảnh sát có tên là Scameter, trong đó ghi lại các địa chỉ web, email, tên người dùng nền tảng, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động và địa chỉ IP đáng ngờ. 32 ngân hàng và 10 nhà điều hành thẻ lưu trữ giá trị sẽ gửi cảnh báo khi người dùng chuyển tiền vào các tài khoản đáng ngờ.

"Mục đích là trao quyền cho khách hàng bằng cách cung cấp thông tin cho họ và để họ quyết định xem họ có muốn tiếp tục giao dịch hay không", Chan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Post.

Chan Chi-wing, Thanh tra cảnh sát cấp cao của Phòng an ninh mạng thuộc Lực lượng cảnh sát Hồng Kông, đã trình diễn cách công chúng có thể xác định và ngăn chặn các vụ lừa đảo trực tuyến liên quan đến AI vào ngày 30/6/2023

Các ngân hàng sử dụng AI để chống gian lận

Eric Liu, Tổng giám đốc rủi ro ngân hàng cá nhân tại Ngân hàng Trung Quốc tại Hồng Kông, một trong ba ngân hàng phát hành tiền tệ của thành phố này, cho biết: “Chúng tôi đã có những bước tiến đáng kể trong việc củng cố nền tảng chống gian lận thông minh của mình, chẳng hạn như phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng cường khả năng phát hiện. Hệ thống AI đã giúp ngân hàng tăng gấp bốn lần số lần chặn.

HSBC cũng đã phát triển một hệ thống AI với Google để kiểm tra tội phạm tài chính trên toàn thế giới. Hệ thống này đã phát hiện ra nhiều tội phạm tài chính hơn từ hai đến bốn lần so với trước đây, với số trường hợp dương tính giả ít hơn 60%.

Một người phát ngôn cho biết năm ngoái, HSBC đã tăng 70% khoản đầu tư CNTT chống lừa đảo liên quan đến "nâng cấp khả năng phân tích nâng cao và ngăn ngừa gian lận" tại Hồng Kông so với năm 2022.

“HKMA không mong đợi mọi giao dịch gian lận đều bị chặn. Điều mà họ mong đợi là các hệ thống và biện pháp kiểm soát được thiết kế và triển khai để ứng phó với những rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt, đồng thời được kiểm tra và điều chỉnh thường xuyên, bao gồm cả kiểm toán nội bộ để xác định xem chúng có hoạt động bình thường hay không”, Jonathan Crompton, đối tác tại công ty luật RPC cho biết.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Hồng Kông (HKAB) thì cần có sự hợp tác liên ngành lớn hơn để giải quyết vấn đề ngay từ gốc rễ, vì hầu hết các vụ gian lận trực tuyến đều bắt nguồn từ các nền tảng công nghệ.

Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông đã yêu cầu Facebook xóa hơn 5.200 tài khoản liên quan đến gian lận trong nửa đầu năm ngoái, 95% trong số đó đã được xóa thành công. 

Những kẻ lừa đảo tài chính đã sử dụng mẫu câu chuyện của South China Morning Pors để tạo một bài đăng deepfake có hình ảnh của nam diễn viên Chân Tử Đan nhằm quảng bá một công cụ giao dịch tài chính trực tuyến lừa đảo.

Debra Au, người đứng đầu bộ phận pháp lý, tuân thủ và thư ký tại DBS Hong Kong, đồng thời là đồng chủ tịch của Liên minh toàn cầu chống tội phạm tài chính Chi nhánh Châu Á, cho biết: "Có thể làm được nhiều hơn thông qua quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư, chia sẻ thông tin, giáo dục công chúng và đầu tư vào công nghệ".

Chan, giám đốc AML của cơ quan tiền tệ cho biết: "Chúng tôi sẽ theo dõi các diễn biến về mặt pháp lý và quy định tại các khu vực pháp lý khác và đánh giá xem có bất kỳ thông lệ tốt nào phù hợp với hoàn cảnh địa phương hay không".