Khuyến cáo từ cơ quan y tế khi số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng 2 tuần liên tiếp

Tuần trước, Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết. Sang tuần này, con số đã lên 41 ca. Trước tình trạng 2 tuần liên tiếp tăng ca mắc sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đưa ra khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần phòng chống sốt xuất huyết, không nên vì chủ quan mà để bản thân mắc bệnh.

Sáng 18/5, Sở Y tế Hà Nội cho biết từ ngày 10 - 17/5, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 16 ca so với tuần trước. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp, số ca mắc sốt xuất huyết tăng.

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 7 ổ dịch với 669 ca mắc sốt xuất huyết, so sánh cùng kỳ năm 2023 tăng hơn 2,5 lần. Số ca mắc sốt xuất huyết chủ yếu tập trung trong tháng 1/2024.

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống)

Hiện nay, thành phố còn các ổ dịch đang hoạt động tại 3 thôn: Bãi Tháp, Thọ Vực, Đồng Vân của huyện Đan Phượng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức giám sát tại các ổ dịch này.

Các chuyên gia y tế nhận định, với điều kiện thời tiết như hiện nay, nắng mưa thất thường, nhất là tại miền Bắc có nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho môi trường sống và phát triển của muỗi sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia, những năm El Nino có nền nhiệt độ cao thì số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng theo. Đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo người dân không được phép chủ quan. Nhiệt độ cao thì vòng đời của muỗi ngắn lại khiến muỗi sinh sản nhiều hơn, khả năng tiếp xúc giữa muỗi và người cũng nhiều hơn. Chỉ cần có nguồn bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết. Đặc biệt là người dân không nên vì chủ quan mà để bản thân mắc bệnh. Để phòng bệnh thì cần mắc màn khi ngủ để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi...

Để phòng chống sốt xuất huyết, người dân nên thả hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ (Ảnh: Hà Nội mới)

Đồng thời, người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào khay nước thải tủ lạnh, bể cảnh, hòn non bộ... Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Thông thường, dịch sốt xuất huyết bùng phát từ tháng 6 đến tháng 8, nhưng từ tháng 3 năm nay, số ca mắc sốt xuất huyết đã gia tăng nhanh chóng. Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn trung gian truyền bệnh gây ra. Dấu hiệu của sốt xuất huyết gồm sốt cao, phát ban và đau cơ khớp.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh vì vậy việc tìm hiểu về các đường lây truyền và phòng chống bệnh là quan trọng để giảm thiểu nguy cơ lan truyền trong cộng đồng.

Ngược lại với số ca mắc sốt xuất huyết tăng, số ca mắc tay chân miệng, ho gà trên địa bàn Hà Nội tuần qua lại giảm. Cụ thể, trong tuần ghi nhận 68 ca mắc tay chân miệng (giảm 61 ca so với tuần trước) và 2 ca mắc ho gà (giảm 13 ca so với tuần trước). Dù vậy, theo quy luật hàng năm, tháng 5 là tháng cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng nên Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên chủ quan, chủ động cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.