Thông tin được ông Nguyễn Thành Chung, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT chia sẻ tại cuộc hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp ngăn chặn quảng cáo, tin nhắn rác, cuộc gọi rác để lừa đảo, diễn ra ngày 13/11 tại Hà Nội.
Trích dẫn số liệu từ Thanh tra Bộ và Cục An toàn thông tin, ông Chung cho biết, trong năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo, chiếm đoạt trên không gian mạng ước tính khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với các năm trước đó. Đáng lưu ý, có tới 91% vụ việc liên quan đến lĩnh vực tài chính, 73% là người dùng thiết bị di động, mạng xã hội.
Ông Chung chia sẻ sự lo ngại trước thực trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản đang trở thành xu thế lớn hơn nhiều so với các công cụ khác. Điều này diễn ra phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới và châu Á là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng lừa đảo này.
Không những vậy, các hình thức lừa đảo ngày nay ngày càng tinh vi, phức tạp, rất khó phân biệt, đặc biệt là khi có sự xuất hiện của các công cụ AI, giả giọng nói, giả số điện thoại… ông Nguyễn Thành Chung dẫn chứng: “Người dân khi nhìn một số điện thoại giống như số điện thoại thông thường sẽ rất khó để phân biệt. Hơn nữa, các đối tượng còn kịch bản hoá đến từng cá nhân, dùng điện thoại gọi để lừa đảo với mỗi người là một kịch bản khác nhau. Nhiều trường hợp sau khi bị lừa đảo xong thì cho biết như bị thôi miên”.
Thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng mạo danh, lừa đảo điện thoại, tin nhắn. Bộ đã chỉ đạo rà soát, cắt hủy, xử lý hàng chục triệu thuê bao có thông tin không được chuẩn hóa, không chính chủ; triển khai các giải pháp công cụ để ngăn chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân, ngăn chặn các hành vi lừa đảo….
Trong 2 năm 2023 và 2024, ngành TT&TTT đã triển khai được 97 đoàn thanh, kiểm tra về thông tin thuê bao, SIM rác, tin nhắn rác, dịch vụ nội dung (VAS), đã ban hành 75 quyết định xử phạt, trong đó xẻ phạt dịch vụ VAS là 1,85 tỷ đồng, xử phạt SIM rác là 5,6 tỷ đồng. Thậm chí, có những doanh nghiệp viễn thông bị xử phạt đình chỉ phát triển thuê bao 2 tháng.
Gần đây, thanh tra Cục cũng đã trực tiếp khảo sát thị trường Hà Nội và TP.HCM kết hợp qua mạng và nhận thấy tình trạng SIM rác vẫn còn nhưng đã giảm nhiều, vẫn còn các đại lý lách luật để kích hoạt sẵn SIM.
Đại diện Cục Viễn thông cũng đặc biệt lưu ý, thời gian qua, Cục cũng đã ghi nhận hiện tượng bán SIM du lịch, SIM data dùng để truy nhập dữ liệu thời gian ngắn. Theo quy định hiện hành của Việt Nam, SIM du lịch vẫn cần đăng ký thông tin thuê bao. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp không thực hiện việc này, vi phạm quy định pháp luật.
Cũng thông tin tại Hội thảo, Cục Viễn thông cho biết, thời gian gần đây chúng ta cũng đã tiến hành định danh được 732 số điện thoại di động từ cơ quan Nhà nước. Với những số điện thoại này, khi gọi đến, người dân sẽ thấy tên định danh thay vì số điện thoại cụ thể. Bộ TT&TT đang tiếp tục triển khai định danh cuộc gọi đối với các số điện thoại cố định đã được các cơ quan Nhà nước đăng ký.