Bong bóng lọc là khái niệm về việc sử dụng những dữ liệu như địa điểm, hành vi trong quá khứ, lịch sử tìm kiếm… để đưa ra kết quả chỉ riêng cho đối tượng đó khi sử dụng ứng dụng, được thực hiện bởi các thuật toán học máy (machine learning) và học sâu (deep learning).
TikTok và ứng dụng “song sinh” Douyin đã thu hút sự chú ý của hơn 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới bằng cách điều chỉnh nguồn cấp dữ liệu nội dung của từng người theo sở thích xem của họ. Các thuật toán để khiến cho ứng dụng trở nên hấp dẫn và giữ chân người dùng đã trở thành bí ẩn lớn nhất của ứng dụng này. Thậm chí, chúng được coi là một tài sản “không được bán cho các thực thể nước ngoài”, được quy định bởi luật pháp Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do mà CEO ByteDance nhiều lần khẳng định, họ không thể bán TikTok cho dù có bị cấm tại Mỹ đi chăng nữa. Nếu bán TikTok, đồng nghĩa với việc chia sẻ thuật toán, không chỉ ảnh hưởng tới Tiktok mà còn ảnh hưởng cả tới Douyin tại Trung Quốc.
Việc sử dụng các “bong bóng lọc” cũng dấy lên mối lo ngại rằng người dùng chỉ tiếp xúc với những thông tin và ý kiến mà họ đồng ý, một chiều, tạo ra cái gọi là bong bóng lọc hoặc kén thông tin.
Trong bài phỏng vấn được đăng tải mới đây trên tờ Ifeng News của Trung Quốc, ông Li Liang, một trong các giám đốc điều hành của ByteDance đã chia sẻ rằng ứng dụng “anh em” của TikTok là Douyin đang "không có động lực để tạo ra cái gọi là kén thông tin”. Ngược lại, Douyin đang được thúc đẩy phá vỡ bong bóng lọc để tạo ra nội dung đa dạng, giúp giữ chân người dùng trong thời gian dài. Ông cho biết: "Một chỉ số quan trọng đối với Douyin là khả năng giữ chân người dùng lâu dài".
Li mô tả hệ thống đề xuất của ByteDance là sự kết hợp giữa các thuật toán và chiến lược, chẳng hạn như bộ lọc cộng tác - một kỹ thuật được sử dụng để tuyển chọn nội dung cho một người dùng nhất định dựa trên sở thích hoặc mối quan tâm của những người dùng khác có hành vi tương tự.
Các công cụ đề xuất của ByteDance cũng bao gồm một thuật toán dựa trên nội dung có thể phân tích và nhận dạng các video tương tự, cùng với một cơ chế khám phá được thiết kế để cung cấp nhiều thông tin khác nhau cho người dùng nhằm tránh hiện tượng lọc sai.
Ông cho biết thêm rằng nguồn cấp nội dung trên ứng dụng ByteDance không chỉ chứa những nội dung được hệ thống đề xuất mà còn chứa thông tin liên quan đến những gì người dùng đã tìm kiếm và chia sẻ với nhau, cũng như các chủ đề thịnh hành.
Nhận xét của Li được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch kéo dài ba tháng do cơ quan giám sát internet hàng đầu của Trung Quốc phát động vào cuối tháng 11 nhằm giải quyết "các vấn đề thường gặp với thuật toán", bao gồm bong bóng lọc và giá cả không công bằng nhắm vào các nhóm nhân khẩu học khác nhau.
Tuần trước, Douyin đã công bố kế hoạch thành lập một trung tâm an toàn trong năm nay để làm cho hệ thống đề xuất của mình minh bạch hơn với người dùng. Đối thủ cạnh tranh là nhà điều hành nền tảng video ngắn Kuaishou Technology, cũng như các nhà cung cấp ứng dụng khác như Pinduoduo và Xiaohongshu, cũng đã giới thiệu nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục các vấn đề liên quan đến thuật toán.
Việc ra mắt Douyin tại Trung Quốc đại lục vào năm 2016 và TikTok tại các thị trường quốc tế vào năm sau đã cách mạng hóa ngành công nghiệp truyền thông xã hội. Các ứng dụng này có giao diện tương tự nhau, cung cấp nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa với các video tự động phát khi người dùng vuốt lên hoặc xuống. Cả hai đều được hỗ trợ bởi cùng một công nghệ đề xuất.
Theo Eugene Wei, một cựu giám đốc công nghệ tại Mỹ từng làm việc tại Amazon.com, Hulu, Flipboard và Oculus, trích dẫn "những người bạn tại ByteDance" thì sức mạnh của các thuật toán của ByteDance có thể được minh họa bằng tiền thân của TikTok là công cụ hát nhép Musical.ly. Sau khi ByteDance giới thiệu công cụ đề xuất của mình cho ứng dụng, người dùng đã tăng gấp đôi thời gian họ dành cho nó. Wei đã viết trong một bài đăng trên blog vào năm 2020 rằng sự thay đổi đó "không hề tinh tế".