Yêu cầu hoãn thực hiện lệnh cấm của ông Trump đang bất đồng quan điểm với chính quyền của tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Chính quyền của ông Binden tiếp tục cảnh báo về những lo ngại "nghiêm trọng" về an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động liên tục của TikTok tại Mỹ.
Trước đó, tòa án tối cao đã chấp thuận thụ lý vụ kiện của ByteDance về việc xin hoãn thực thi luật có hiệu lực vào ngày 19/1 tới. Tòa sẽ mở một phiên tranh luận trực tiếp trong vòng 2 giờ đồng hồ vào ngày 10/1 – đây là mốc quan trọng quyết định số phận của nền tảng mạng xã hội Trung Quốc này tại Mỹ.
Mặc dù không liên quan trực tiếp đến vụ kiện, tuy nhiên ông Trump cũng đã nộp một bản tóm tắt, thể hiện quan điểm và các kiến nghị của bản thân về vấn đề này. Do lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 19/1 – một ngày trước khi lễ nhậm chức của ông Trump diễn ra, vì vậy lập trường của ông có thể có sức nặng đáng kể đối với các thẩm phán.
Trong bản tóm tắt của mình, ông Trump không đưa ra quan điểm nào về các câu hỏi cơ bản liên quan đến Tu chính án thứ nhất mà vụ án đặt ra, nhưng ông thúc giục tòa án hoãn ngày có hiệu lực là 19/1 để chính quyền của ông có thể tìm cách giải quyết vấn đề mà không cần lệnh cấm.
Ông Trump đề xuất tòa án tạm dừng ngày có hiệu lực của lệnh cấm "để cho phép chính quyền mới của ông theo đuổi một giải pháp đàm phán có thể ngăn chặn việc đóng cửa TikTok trên toàn quốc, do đó bảo vệ quyền Tu chính án thứ nhất của hàng chục triệu người Mỹ, đồng thời giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia của chính phủ".
Tổng thống mới đắc cử đã từng đưa ra những tín hiệu trái chiều trong quá khứ về quan điểm của mình đối với TikTok nhưng gần đây nhất là tuyên bố sẽ "cứu" nền tảng này. Ông Trump đã gặp CEO của TikTok là Shou Chew vào đầu tháng này để thảo luận về vấn đề mà cả hai đang quan tâm.
Quốc hội Mỹ đã thông qua lệnh cấm với sự ủng hộ của lưỡng đảng nhằm ứng phó với nhiều năm lo ngại rằng công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia vì có thể thu thập dữ liệu về người dùng và thao túng nội dung mà người dùng đó nhìn thấy. Luật cho phép ứng dụng tiếp tục hoạt động tại Mỹ nếu nó tách khỏi quyền sở hữu của Trung Quốc. Luật trao cho tổng thống đương nhiệm quyền hạn rộng rãi để quyết định liệu công ty đã tách khỏi chủ sở hữu của mình một cách thỏa đáng hay chưa.
Bản tóm tắt của ông Trump cũng là hành động đầu tiên mà ông gửi đến Tòa án Tối cao kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, tuyên bố rằng ông đang hoạt động với "quyền lực bầu cử mạnh mẽ" và rằng ông có vị thế độc nhất để giải quyết tranh cãi về TikTok. Có lúc ông tự mô tả mình là "một trong những người dùng mạng xã hội quyền lực, sung mãn và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử".
"Những tác động của Tu chính án thứ nhất đối với việc chính phủ liên bang đóng cửa một nền tảng truyền thông xã hội được 170 triệu người Mỹ sử dụng là rất sâu rộng và đáng lo ngại", bản tóm tắt của ông Trump nêu rõ. Ông cũng thể hiện sự lo ngại rằng điều này có thể tạo ra một tiền lệ xấu khi quyền lực đặc biệt có thể đóng cửa một mạng xã hội chỉ vì những mối lo ngại trên nền tảng đó.
Trước đó vào thứ Sáu, chính quyền của Tổng thống Joe Biden và một nhóm cựu quan chức chính phủ thuộc cả hai đảng - bao gồm một số người từng làm việc cho ông Trump - đã thúc giục Tòa án Tối cao duy trì lệnh cấm TikTok, với lý do rằng mối quan hệ của nền tảng này với Trung Quốc gây ra mối đe dọa "nghiêm trọng" đối với an ninh của Mỹ.
“TikTok thu thập lượng lớn dữ liệu về hàng chục triệu người Mỹ và có thể bí mật thao túng nền tảng này để thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình và gây hại cho nước Mỹ — ví dụ như bằng cách gieo rắc bất hòa và thông tin sai lệch trong một cuộc khủng hoảng”.