Đề xuất không bị kỷ luật công chức, đảng viên sinh con thứ ba

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi quy định để gỡ bỏ rào cản và xóa bỏ tâm lý lo ngại cho cán bộ, đảng viên về việc sinh con thứ ba. Việc bỏ quy định kỷ luật này cũng sẽ giúp truyền thông rõ ràng về chính sách dân số trong bối cảnh mới.

Xây dựng chính sách khuyến sinh linh hoạt

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế hiện đang rà soát lại các chính sách dân số cũng như các quy định xử phạt hành chính liên quan. Đồng thời, Bộ cũng đang xây dựng báo cáo về xu hướng mức sinh tại Việt Nam, với mục tiêu đưa ra các chính sách mới trong dự thảo luật Dân số.

Những đề xuất trong dự thảo này bao gồm chính sách khen thưởng và khuyến khích sinh con nhằm đối phó với tình trạng mức sinh liên tục giảm trong những năm gần đây.

muc-sinh-1-1735387966.jpg
Mức sinh của nước ta đang thấp nhất trong lịch sử

Theo bà Hương, Việt Nam hiện đang chứng kiến tốc độ giảm sinh nhanh chóng, với mức sinh thấp nhất trong lịch sử. Năm 2024, tỷ lệ sinh sẽ giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ và xu hướng này có thể tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Mặc dù tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã có sự cải thiện, nhưng tỷ lệ này vẫn còn khá cao, ước tính ở mức 112/100 (bé trai/bé gái) vào năm 2024, dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa số trẻ trai và trẻ gái.

Ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cũng cho hay, trong nỗ lực nâng cao mức sinh, các nhóm chính sách cơ bản được xây dựng trong dự thảo Luật Dân số bao gồm: Duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức cân bằng tự nhiên, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, nâng cao sức khỏe dân số và lồng ghép các yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược dân số Việt Nam là đến 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tức bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con, quy mô dân số 104 triệu người.

Để đạt được mức sinh thay thế, dự thảo đề xuất các biện pháp linh hoạt để điều chỉnh giữa các khu vực có mức sinh thấp và cao. Các biện pháp này sẽ bao gồm việc quy định quyền của cặp vợ chồng và cá nhân trong việc quyết định sinh con, thời gian sinh con, số lượng con và khoảng cách giữa các lần sinh, sao cho phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và khả năng nuôi dạy con của mỗi gia đình.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đang soạn thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số 2008 và các văn bản liên quan, theo hướng không áp dụng hình thức kỷ luật đối với công chức, đảng viên sinh con thứ ba.

Cần thay đổi quan điểm về sinh con

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP. HCM cũng từng đề xuất bỏ quy định kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba, nhằm thay đổi quan điểm về chính sách dân số và khuyến khích nâng cao tỷ suất sinh.

muc-sinh-1735387966.jpg
Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định kỷ luật đối với công chức, đảng viên sinh con thứ ba

Bà Lan bày tỏ lo ngại về việc trong khi Việt Nam đang nỗ lực cải thiện tỷ suất sinh, thì việc cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật lại tạo ra mâu thuẫn. Chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể hợp lý ở giai đoạn trước, nhưng hiện nay, khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, chúng ta cần thay đổi quan điểm về sinh con.

Đồng tình với quan điểm này - giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho hay, ông từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba để phù hợp với tình hình mới.

Theo ông cho, khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm sửa đổi quy định để gỡ bỏ rào cản và xóa bỏ tâm lý lo ngại cho cán bộ, đảng viên về việc sinh con thứ ba. Việc bỏ quy định kỷ luật này cũng sẽ giúp truyền thông rõ ràng về chính sách dân số trong bối cảnh mới.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội nhận định, tình trạng già hóa dân số hiện nay rất đáng lo ngại và đang tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo bà, vấn đề cần được quan tâm là làm thế nào để ngăn ngừa các hậu quả do tình trạng này gây ra.

Bà An cũng đề xuất các chính sách khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, đồng thời tránh tình trạng có gia đình sinh quá ít hoặc quá nhiều con. Việc sinh con không nên bị ép buộc, mà cần phải có các chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước để đảm bảo sự phát triển dân số bền vững.

Về đề xuất xem xét hình thức kỷ luật đối với đảng viên sinh con thứ ba, bà An cho rằng không nên quá cứng nhắc và cực đoan trong chính sách kế hoạch hóa gia đình. Mục tiêu của chính sách này là vừa tăng trưởng về số lượng dân số, vừa nâng cao chất lượng dân số.

Anh Nguyễn Huy Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) là công chức làm việc tại Hà Nội. Với 12 năm gắn bó và cống hiến trong công việc, anh đã nhận được sự tín nhiệm từ lãnh đạo cấp trên và sự tin tưởng từ các đồng nghiệp trong phòng.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều đóng góp, anh không được cất nhắc lên vị trí lãnh đạo phòng, một phần vì trước đó anh đã bị kỷ luật đảng dưới hình thức khiển trách do sinh con thứ ba. Câu chuyện của anh Hùng chỉ là một trong nhiều trường hợp đáng tiếc của các cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên bị ảnh hưởng bởi quy định liên quan đến việc sinh con thứ ba.

Do vậy, nếu sử đổi quy định này, có thể sẽ khuyến khích tỷ lệ sinh thêm con trong nhóm cán bộ công chức, đảng viên.