Hàng quán điu hiu khi người dân "thắt hầu bao" chi tiêu cuối năm

Cuối năm, thời điểm được xem là mùa kinh doanh sôi động nhất, nhưng nhiều hàng quán tại TP. HCM lại vắng khách, thậm chí là bất ngờ đóng cửa. Chủ quán đứng ngồi không yên vì chi phí thuê mặt bằng cao, trong khi giáp Tết có nhiều khoản phải lo.

Giảm 30 - 40 % lượng khách

Chị Nguyễn Thanh Linh đã mở quán lẩu tại quận Bình Tân được ba năm. Chị cho cho biết, vào dịp cuối năm, tình hình kinh doanh của quán thường khá ảm đạm vì lượng khách giảm sút đáng kể. Hiện tại, khách đến quán giảm khoảng 30% so với những tháng trước.

Theo chị Linh, một phần nguyên nhân có thể do thời điểm cuối năm, khách hàng bận rộn với công việc, ít có thời gian ra ngoài ăn uống hay vui chơi. Một nguyên nhân khác là nhiều người cắt giảm chi tiêu, hạn chế ăn ngoài để tiết kiệm tiền cho mua sắm dịp Tết.

quan-an-1-1735361712.jpg
Nhiều hàng ăn tại TP. HCM rơi vào tình cảnh vắng khách dịp cuối năm

Cùng trong tình cảnh vắng khách, chị Huệ - chủ quán bún bò tại quận Phú Nhuận chia sẻ, dạo gần đây, quán của chị đã giảm khoảng 35% - 40% lượng khách. Trong khi, chi phí thuê mặt bằng ở khu vực này rất cao, thêm vào đó cuối năm có nhiều khoản phải lo, khiến chị rất lo lắng.

Anh Huỳnh Lê Hải Hiền - chủ quán lẩu bò trên đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cũng cho hay, vào dịp cuối năm, quán của anh cũng trải qua tình trạng giảm khách. Doanh thu của quán giảm khoảng 10 - 15% so với các tháng trước. Tuy nhiên, anh cho rằng tình hình sẽ khả quan hơn vào các tháng tới, khi dịp cao điểm ăn uống, vui chơi đến gần. Năm nay, anh dự định sẽ bán xuyên Tết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Trong khi đó, trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ quận Bình Thạnh đến Gò Vấp, nơi trước đây tập trung nhiều quán xá hoạt động suốt ngày đêm, hiện có hơn 10 mặt bằng kinh doanh nhà hàng, quán ăn, buffet, cà phê… đang bị bỏ trống. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện tại khu phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), với gần 20 mặt bằng từng là các nhà hàng lẩu, chè, đồ ăn Thái, Nhật Bản… đang treo bảng cho thuê lại. Các tuyến đường sầm uất khác như Hai Bà Trưng, Võ Văn Tần (quận 1, quận 3), Cao Thắng, Nguyễn Huệ (quận 1) cũng không thoát khỏi tình trạng này.

Ông Phan Văn Hoàng (TP. Thủ Đức) cho biết đã đóng cửa quán ăn của mình vào cuối tháng 11/2024 do lượng khách giảm sút trong suốt hơn một năm qua. Cùng với việc giá nguyên vật liệu tăng, giá thuê mặt bằng dự kiến sẽ tăng thêm 10% từ năm 2025, giá bán không thể điều chỉnh khiến lợi nhuận ngày càng thu hẹp.

quan-an-2-1735361710.jpg
Nhiều quán còn rơi vào tình trạng phải đóng cửa

Tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến

Chuyên gia ngành F&B (Food and Beverage) Nguyễn Quang Thái giải thích tình trạng hàng loạt hàng quán tại TP. HCM phải trả mặt bằng trong những tháng cuối năm là do sức mua giảm, chi phí thuê mặt bằng và các khoản chi phí khác ngày càng tăng cao.

Thêm vào đó, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường và tâm lý ngại đến quán nhậu sau khi Nghị định 100 được ban hành cũng khiến nhiều nhà hàng, quán ăn phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Ông Thái nhận định, khi hàng quán đóng cửa, sẽ kéo theo nhiều ngành khác đi xuống như tiêu thụ nông thủy sản, giảm thuế, tăng tỉ lệ thất nghiệp, và có thể dẫn đến các vấn đề xã hội khó lường. Nếu sức mua không cải thiện, tình trạng hàng quán trả mặt bằng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Tất Thịnh - nhà sáng lập nền tảng HouseZy.vn cho rằng, trong bối cảnh này, nhiều chủ cửa hàng không còn tâm lý cố gắng trụ qua Tết, mà thay vào đó, họ sẵn sàng trả mặt bằng hoặc thậm chí bỏ cọc nếu tình hình kinh doanh không hiệu quả trong 3-4 tháng, nhằm tránh lỗ nặng hơn.

Dự báo sau Tết 2025, tình trạng trả mặt bằng, đặc biệt là ở các không gian lớn trên các tuyến đường kinh doanh ẩm thực và thời trang, sẽ tiếp tục gia tăng do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Tuy nhiên, nghịch lý là giá thuê mặt bằng có thể không giảm mà có thể còn tăng nhẹ.

Theo các chuyên gia, hàng quán nên tận dụng các kênh bán hàng trực tuyến như Shopee Food, Grab, Facebook... để mở rộng đối tượng khách hàng. Để tạo sự khác biệt với đối thủ, các quán nên cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, có thể bắt kịp xu hướng "trend", đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhưng vẫn phải duy trì sản phẩm cốt lõi.

Bên cạnh đó, việc liên kết với các doanh nghiệp khác để chia sẻ chi phí và giảm rủi ro cũng là một chiến lược hiệu quả, như hợp tác trong việc chia sẻ mặt bằng, hợp tác kinh doanh, hoặc tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản phẩm có giá hợp lý hơn để tăng tính cạnh tranh.

Ngoài ra, để xây dựng thương hiệu vững mạnh, các quán cần đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mãi, tăng cường chăm sóc khách hàng. Việc áp dụng các công nghệ mới, như phần mềm bán hàng tích hợp trí tuệ nhân tạo, sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý.

Đặc biệt, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh ngành nghề như ẩm thực, thời trang, dịch vụ... cơ quan quản lý cần tổ chức các chương trình khuyến mãi hoặc các ngày hội mua sắm, trải nghiệm để thu hút người dân đến tham gia và tiêu dùng, từ đó kích cầu thị trường.