“Lướt sóng” bất động sản có thể chịu mức thuế cao

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế, trong đó đề xuất điều chỉnh chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ.

Chống đầu cơ bằng chính sách thuế

Chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành tại Việt Nam chưa phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản của người chuyển nhượng, với thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, áp dụng mức thuế suất cố định 2%. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu cơ. 

Trước tình trạng này, Bộ Tài chính nhận định, có thể được kiểm soát hiệu quả hơn nếu áp dụng chính sách thuế linh hoạt theo thời gian sở hữu, tương tự một số quốc gia trên thế giới. Hiện, nhiều nước đã sử dụng công cụ thuế để tăng chi phí cho hành vi đầu cơ và giảm sức hấp dẫn của hoạt động này.

Chẳng hạn, tại Singapore, đất mua đi bán lại trong năm đầu tiên chịu thuế suất 100% trên giá trị chênh lệch, giảm xuống 50% sau 2 năm và 25% sau 3 năm. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản trong 2 năm đầu chịu thuế suất 45%, từ 2-5 năm là 35%, từ 5-10 năm là 20% và sau 10 năm chỉ còn 15%. Những chính sách này giúp hạn chế mua bán lướt sóng, đồng thời điều tiết thị trường bất động sản một cách hiệu quả.

Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất nghiên cứu áp dụng chính sách thuế TNCN theo thời gian nắm giữ bất động sản tại Việt Nam, nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng về sử dụng nhà đất hiệu quả, giảm đầu cơ và bong bóng bất động sản. Chính sách này cũng hướng đến việc quy định mức thuế suất cao hơn đối với người sở hữu nhiều bất động sản hoặc giao dịch trong thời gian ngắn.

Hiện nay, nhiều địa phương ghi nhận sự dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự không người ở

Bộ Tài chính nhấn mạnh, mức thuế suất cụ thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với thực trạng hoạt động của thị trường và đồng bộ với các chính sách về đất đai, nhà ở, cũng như sự sẵn sàng của hạ tầng công nghệ thông tin.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế với những người sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ, nhất là đối với các bất động sản bị bỏ hoang hoặc không sử dụng. Bộ Tài chính được giao phối hợp nghiên cứu và tham mưu xây dựng chính sách thuế cho nhà đất thứ hai hoặc bất động sản bỏ hoang. Đề xuất này nhận được sự đồng tình từ những người có thu nhập thấp, các Hiệp hội bất động sản, giới chuyên gia...

Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM nhận định, thuế bất động sản là công cụ tài chính quan trọng, được nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, đưa vào khung pháp lý.

Theo bà Hương, thuế bất động sản có ba chức năng chính: tăng nguồn thu ngân sách để tái đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội; kiểm soát tài nguyên quốc gia bằng cách gia tăng nghĩa vụ tài chính với nhóm thu nhập cao sử dụng nhiều tài nguyên; dễ triển khai hơn các sắc thuế khác nhờ tính minh bạch, ít bị ảnh hưởng bởi hiệp định quốc tế và hạn chế tình trạng trốn thuế.

Hiện nay, nhiều địa phương ghi nhận sự dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự không người ở, trong khi nhà ở bình dân và vừa túi tiền lại ngày càng khan hiếm. Tình trạng lệch pha cung cầu này đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM, đặt ra yêu cầu cấp bách cho các chính sách điều tiết phù hợp nhằm ổn định thị trường bất động sản.

Đưa bất động sản trở về giá trị thực

Đồng tình với những đề xuất của các thành phần tham gia thị trường, Quốc hội đã giao Chính phủ sớm nghiên cứu và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật thuế, trong đó đưa ra quy định áp dụng mức thuế cao hơn đối với những cá nhân sở hữu nhiều bất động sản.

Các quy định cần được xây dựng đồng bộ với các cải cách trong pháp luật đất đai, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng đất, thúc đẩy tái phân phối nguồn lực, đồng thời tạo nguồn thu ổn định và hợp lý cho ngân sách nhà nước, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam và dựa trên kinh nghiệm quốc tế.

Ngoài chính sách thuế, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm điều chỉnh thị trường bất động sản, đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu, tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu nhà ở và duy trì an sinh xã hội.

Chính các doanh nghiệp – đối tượng cung cấp sản phẩm cho thị trường cũng thừa nhận, giá nhà đất hiện tại đang ở mức quá cao và cần chú trọng phát triển các sản phẩm phù hợp với giá trị thực

Nghị quyết nhấn mạnh, cần có giải pháp chiến lược, lâu dài để đưa giá bất động sản về đúng giá trị thực, ngăn chặn các hành vi thao túng, lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất nhằm đẩy giá lên cao. Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, tăng cường phân tích và dự báo để điều chỉnh kịp thời, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, tuân theo quy luật cung cầu, đồng thời ngăn chặn tình trạng thị trường "quá nóng" hoặc "đóng băng" gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Các bộ, ngành cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản, đảm bảo tích hợp, liên thông giữa các hệ thống đăng ký thuộc nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. Việc này giúp cung cấp thông tin pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận.

Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương giải quyết các dự án bất động sản đang bị đình trệ hoặc gặp khó khăn, với việc đánh giá toàn diện lợi ích, chi phí và tính khả thi để tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình xử lý, Quốc hội nhấn mạnh không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự, đồng thời kiên quyết xử lý các vi phạm nhưng không hợp thức hóa những sai phạm đã xảy ra.

Trước đó, trong một buổi tọa đàm về lĩnh vực bất động sản, chính các doanh nghiệp – đối tượng cung cấp sản phẩm cho thị trường cũng thừa nhận, giá nhà đất hiện tại đang ở mức quá cao và cần chú trọng phát triển các sản phẩm phù hợp với giá trị thực, đáp ứng nhu cầu ở thực tế. Do vậy, nếu các biện pháp trên được thực hiện đồng bộ và bài bản, không chỉ giúp kiểm soát giá bất động sản, tạo cơ hội cho người lao động thu nhập thấp có nhà ở, mà còn đảm bảo sự phát triển công bằng và bền vững cho thị trường.