Cải thiện hạ tầng giúp tăng sức cạnh tranh cho chợ truyền thống

Trong các giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả, Sở Công thương TP. HCM cho rằng, cải thiện cơ sở hạ tầng chợ sẽ góp phần tích cực vào việc duy trì hoạt động của chợ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Áp lực của chợ truyền thống

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng sự bùng nổ của các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini và thương mại điện tử, kết hợp với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đang tạo ra áp lực lớn đối với các chợ truyền thống, đặc biệt tại TP. HCM.

Sở Công Thương TP. HCM cho biết, so với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng khách đến các chợ truyền thống hiện đã giảm từ 30 - 50%. Sự sụt giảm mạnh nhất là ở các mặt hàng vải, với lượng khách giảm từ 60 - 90%. Các mặt hàng tạp hóa, quần áo, giày dép ghi nhận sự giảm sút từ 50 - 70%, trong khi các sản phẩm như vật liệu, phụ kiện máy móc, phụ gia thực phẩm và đồ dùng gia đình giảm từ 20 - 40%. Lĩnh vực thực phẩm, lượng khách tại các chợ truyền thống giảm ít hơn, chỉ từ 10 - 30%.

cho-truyen-thong-1-1732531458.jpg
So với thời điểm trước dịch Covid-19, lượng khách đến các chợ truyền thống ở TP. HCM đã giảm từ 30 - 50% 

Chị Loan - chuyên bán rau quả tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, trước dịch Covid-19, mỗi ngày chị bán từ 100 - 200 kg rau củ, nhưng hiện lượng bán đã giảm một nửa. Kinh doanh quá ế ẩm nên chị đã giảm dần lượng rau nhập vào và đang tính chuyển hướng buôn bán.

Tương tự, anh Hùng trước đây thuê sạp bán hàng tại chợ Phú Định (phường 16, quận 8). Sau khi chợ tạm đóng cửa để nâng cấp, anh đã chuyển ra mặt bằng mới gần đó. Anh cho biết, khi chợ còn hoạt động, không khí mua bán rất thưa thớt, chỉ có chưa đầy 20 sạp chủ yếu kinh doanh thực phẩm và đồ khô.

Theo Sở Công Thương TP. HCM, thành phố hiện có 232 chợ, trong đó có hơn 152 chợ dân sinh đã được cải tạo và sửa chữa trong giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, hầu hết các chợ dân sinh tại thành phố đã được xây dựng từ lâu (đa phần trước năm 1975) nên nhiều chợ đã xuống cấp, thiếu tính thẩm mỹ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy và thiếu bãi đỗ xe rộng rãi, ảnh hưởng đến hoạt động của các chợ.

Xuống cấp và bị cạnh tranh mạnh mẽ từ các mô hình thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử, chợ dân sinh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm và thực phẩm thiết yếu cho người dân. Do đó, trong vai trò quản lý ngành, thời gian qua, Sở Công Thương TP. HCM đã hợp tác với UBND các địa phương để rà soát, phân tích nguyên nhân, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và hiệu quả của các giải pháp đã triển khai. Từ cơ sở này, Sở đã điều chỉnh và lựa chọn những giải pháp phù hợp để hỗ trợ hoạt động của các chợ truyền thống.

TP. HCM xác định, dù nền kinh tế có phát triển ra sao, chợ dân sinh vẫn sẽ tồn tại và có vai trò riêng. Tuy nhiên, cần có những định hướng và giải pháp giúp các chợ này thích ứng và phát triển mô hình phù hợp. Đồng thời, các giải pháp mang tính toàn diện cũng cần được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường sức cạnh tranh cho các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Trong các giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả, Sở Công Thương TP. HCM cho rằng, cải thiện cơ sở hạ tầng chợ sẽ góp phần tích cực vào việc duy trì hoạt động của chợ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Sở cũng đề xuất một số giải pháp, bao gồm rà soát lại quỹ đất để xây dựng mới các chợ dân sinh, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, cần tập trung cải tạo các chợ đang xuống cấp và triển khai công tác xã hội hóa để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ, đồng thời xử lý các điểm kinh doanh tự phát nhằm duy trì trật tự và mỹ quan đô thị.

cho-truyen-thong-1732531458.jpeg
Cải thiện cơ sở hạ tầng chợ sẽ góp phần tích cực vào việc duy trì hoạt động của chợ truyền thống

Nhằm triển khai hiệu quả Nghị định 60/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, Sở Công Thương đã gửi văn bản tới các địa phương và tổ chức quản lý chợ, yêu cầu rà soát và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các chợ dân sinh, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, Sở đề xuất rà soát quỹ đất để bố trí địa điểm xây dựng các chợ dân sinh mới, đồng thời đầu tư nâng cấp, cải tạo các chợ đã xuống cấp để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và mua bán của người dân. Sở cũng khuyến khích xã hội hóa các chợ dân sinh và giải tỏa các điểm kinh doanh tự phát. Tùy vào tình hình hoạt động thực tế, các địa phương và tổ chức quản lý chợ sẽ đánh giá và lựa chọn các giải pháp phù hợp để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, để duy trì sự phát triển và gia tăng sự gắn bó của người tiêu dùng với các kênh phân phối truyền thống, cần nâng cao mức độ chuyển đổi số cho cả ba yếu tố: Người bán, người mua và tổ chức quản lý chợ. Cải thiện chất lượng thực phẩm, nâng cao không gian mua sắm và đẩy mạnh chuyển đổi số là những giải pháp quan trọng giúp tăng cường sự gắn bó của khách hàng và nâng cao sức mua tại chợ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, một trong những điểm đáng chú ý trong Nghị định 60/2024 là việc cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để nâng cấp, sửa chữa các chợ. Đồng thời, nghị định cũng quy định chi tiết các hình thức xã hội hóa và định hướng sửa chữa chợ.

Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ sẽ bao gồm cả vốn ngân sách nhà nước và vốn ngoài ngân sách (bao gồm các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật). Tùy thuộc vào loại hình và quy mô, chủ đầu tư các dự án chợ dân sinh sẽ áp dụng các quy định, quy trình và nguồn kinh phí phù hợp để triển khai.

Ngoài ra, Sở Công Thương TP. HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, yêu cầu đánh giá tình hình thực tế, rà soát và huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ. Các địa phương cần xây dựng lộ trình đầu tư, nâng cấp và cải tạo hạ tầng chợ, lập kế hoạch phát triển chợ giai đoạn 2025 - 2030.