Tiểu thương chợ truyền thống “lao đao” khi hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào

Tại nhiều chợ truyền thống trên cả nước, tiểu thương bán hàng thời trang, mỹ phẩm giảm giá sâu, thậm chí chấp nhận lỗ vốn vẫn không thể cạnh tranh lại với hàng nhập bán qua kênh online.

Khách lẻ giảm…

Chợ truyền thống tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do sự xâm nhập mạnh mẽ của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ vào thị trường. Các sản phẩm từ Trung Quốc với mức giá cạnh tranh và mẫu mã đa dạng đang chiếm lĩnh thị trường, khiến cho các tiểu thương ở chợ truyền thống khó khăn trong việc giữ chân khách hàng.

Hàng hóa Trung Quốc, từ quần áo, giày dép đến đồ gia dụng đều có giá rẻ hơn so với hàng hóa nội địa, nhờ chi phí sản xuất thấp và lợi thế quy mô. Điều này đã tạo ra một áp lực lớn cho các tiểu thương tại chợ truyền thống.

cho-vang-ve-1725152680.jpg
Nhiều chợ truyền thống rơi vào tình cảnh ế ẩm

Chợ Kim Liên (Hà Nội) rộng khoảng hơn 1.000m2, nhưng các quầy hàng bán quần áo, mỹ phẩm giờ rất ít. Bà Yên, một người bán quần áo tại chợ Kim Liên chia sẻ, hàng hóa ngày càng ế ẩm, có ngày cả ngày không bán được món nào. Sáng sớm bà mở cửa hàng, rồi cùng các tiểu thương khác chỉ biết tập thể dục và chờ khách đến.

Bà bảo, dù đã giảm giá hàng hóa 50%, thậm chí có món giảm đến 70% để mong bán được và thu hồi vốn, nhưng vẫn rất ít người mua. Ngày nay giới trẻ chủ yếu mua sắm qua các buổi livestream, nhưng bà không biết cách làm điều đó.

Trong khi đó, bà Nguyệt - tiểu thương bán quần áo tại chợ Thủ Đức (TP. HCM) cho hay, một cái áo nhập sỉ tại chợ có giá 170.000 đồng, nếu bán lẻ ra tầm 200.000 đồng mới được chút lãi. Nhưng cũng cái áo này bán trên trang thương mại điện tử chỉ 150.000 đồng, thậm chí mua 2 cái còn được miễn phí giao hàng. Nhiều trang thương mại điện tử bán 1 đôi dép nhựa chỉ 10.000 đồng, dù chưa biết chất lượng thế nào, nhưng hàng rẻ nhất tại chợ cũng không thể có giá đó.

Bà Nguyệt bảo, cùng mẫu mã mà giá bán chênh nhau như thế thì  tiểu thương ở chợ làm sao cạnh tranh được. Bà không hiểu những kênh bán hàng online này nhập hàng từ đâu, chất lượng thế nào mà giá rẻ được thế.

cho-vang-ve-1-1725152811.jpg
Không chỉ khách lẻ, khách sỉ cũng ngày càng ít khiến tiểu thương chợ truyền thống "lao đao"

…Khách sỉ cũng không còn

Với nhiều người bán tại chợ truyền thống, mối khách sỉ ở các tỉnh vốn là thế mạnh của ngành hàng thời trang nhiều năm qua nhưng nay gần như bị tê liệt. Bà Nguyễn Thị Thanh đã buôn bán tại chợ An Đông (quận 5, TP. HCM) hàng chục năm nay. Bà cho biết, thời cao điểm, bán sỉ cùng lúc đến 30 - 40 mối. Các mối này lấy hàng theo tuần với số lượng lớn, nhưng giờ tuyệt nhiên mất hẳn. Giờ mỗi ngày chỉ có vài khách lẻ nên lượng bán khá khiêm tốn.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Nhiên – tiểu thương kinh doanh hàng quần áo tại chợ Tân Bình (TP. HCM) cũng cho hay, lượng khách sỉ giảm mạnh khiến các sạp quần áo tại chợ gặp khó khăn rất lớn. Nguyên nhân khách sỉ giảm là ở các tỉnh hiện nay cũng mua hàng online rất nhiều. Các đầu mối này bán hàng ế ẩm nên không nhập hàng về bán nữa.

Từng một thời ăn nên làm ra, gửi hàng sỉ đi khắp nơi, nhưng nay nhiều người kinh doanh quần áo tại các chợ sỉ có tiếng ở TP. HCM như An Đông, Tân Bình... phải đóng sạp hoặc sang sạp lại vì ế.

Nhiều tiểu thương cho rằng việc mua hàng online giờ quá tiện khi các trang thương mại điện tử bùng nổ, đặc biệt gần đây có thêm sàn TikTok quá mạnh. Thêm vào đó, khâu giao hàng hiện nay quá thuận tiện, hàng thời trang, gia dụng... Trung Quốc nhập về rất dễ dàng và "ship" đến gần như mọi vùng quê.

Ban quản lý nhiều chợ tại TP. HCM xác nhận, ngành hàng kinh doanh thời trang tại chợ đang "hấp hối", khả năng sẽ sớm không thể tồn tại nếu phải tiếp tục cạnh tranh với kênh bán online, sản phẩm từ Trung Quốc về ào ạt với đủ mọi giá, mẫu mã được quảng cáo, bán nhan nhản trên TikTok, Facebook và các trang thương mại điện tử.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, từ khi sàn thương mại điện tử lên ngôi, các chợ truyền thống trở nên đìu hiu, thưa thớt. Thời đại số phát triển, người trẻ ngày nay chọn mua sắm trên các chợ mạng vừa tiện lợi vừa tiết kiệm thời gian. Nhất là hiện nay, hàng Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường mua sắm trực tuyến.

Hàng Trung Quốc còn dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua các kênh thương mại điện tử và hệ thống phân phối rộng khắp, làm cho các sản phẩm này có mặt ở hầu hết mọi nơi, từ chợ đến cửa hàng tiện lợi và siêu thị. Điều này càng làm tăng thêm sự cạnh tranh gay gắt mà các tiểu thương ở chợ truyền thống phải đối mặt.