Hiện nay, các chợ truyền thống Việt Nam tràn ngập hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến thực phẩm, đồ dùng gia đình. Với giá thành thấp và đa dạng mẫu mã, hàng Trung Quốc dần trở thành lựa chọn phổ biến của các tiểu thương và khách hàng, đẩy hàng Việt vào thế cạnh tranh khó khăn.
Nhiều tiểu thương và nhà bán lẻ tại các chợ truyền thống và siêu thị lớn dần chuyển sang ưu tiên hàng Trung Quốc, nhờ giá thành rẻ, khả năng cung ứng nhanh chóng, ổn định và mẫu mã phong phú, đáp ứng tốt thị hiếu người tiêu dùng.
Như tại các chợ truyền thống ở TP. HCM, nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc có giá rẻ hơn hàng Việt Nam từ 20 - 35%. Điển hình, phần lớn các sạp quần áo và túi xách ở chợ An Đông (quận 5) đều bán hàng Trung Quốc. Một tiểu thương cho biết, do sản phẩm đẹp, giá phù hợp túi tiền nên thu hút nhiều khách hàng. Với khoảng 250.000 - 350.000 đồng, khách có thể mua được chiếc áo hoặc bộ đầm Trung Quốc chất liệu mát. Trong khi sản phẩm, trong nước cùng chất liệu lại có giá từ 350.000-450.000 đồng.
Ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP. HCM), quần áo Trung Quốc còn có giá rẻ hơn nhiều, một số sản phẩm có giá chỉ bằng một nửa hàng Việt. Chị Lê Khánh Quỳnh (một khách hàng) cho hay, chị chọn mua hàng Trung Quốc vì giá rẻ, hợp túi tiền. Chất lượng không thể so với hàng đắt tiền nhưng vẫn dùng tốt. Người tiêu dùng chọn dựa trên giá và chất lượng, không quan trọng hàng nước nào.
Tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), các quầy túi xách hầu hết bày bán hàng Quảng Châu - Trung Quốc, có giá từ 190.000 - 400.000 đồng/chiếc. Túi xách được thiết kế đẹp, đường may chắc chắn và thường “nhái” kiểu các thương hiệu lớn như Gucci, Chanel, Coach, nên hút khách. Chị Nguyễn Thanh Châu - tiểu thương bán túi xách, chia sẻ, hàng Quảng Châu dễ bán hơn, vì người mua chuộng kiểu dáng và giá rẻ.
Không chỉ quần áo, túi xách, nhiều loại thực phẩm, thức uống, phụ gia, bánh kẹo Trung Quốc cũng có mặt tại chợ với giá rất rẻ, màu sắc bắt mắt, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nội địa. Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Bình Tây cho biết, mỗi gói mì của doanh nghiệp bà có giá khoảng 5.000 đồng, còn mì Trung Quốc chỉ bán 3.000 đồng/gói. Dù xuất khẩu tăng 35%, doanh số trong nước của công ty lại giảm 20%. Điều này cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.
Nhiều chuyên gia nhận định, có nhiều lý do khiến hàng Việt khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Trước tiên là giá nguyên vật liệu. Mặc dù sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn phải nhập phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, khiến chi phí tăng cao. Điều này làm cho giá thành sản phẩm Việt Nam thường cao hơn từ 20-30% so với sản phẩm cùng loại nhập từ Trung Quốc.
Ngoài ra, công nghệ sản xuất của Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại và năng suất cao, cho phép họ sản xuất số lượng lớn với chi phí thấp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, ít hiệu quả, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá và tốc độ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để hàng Việt có thể cạnh tranh tốt hơn tại các chợ truyền thống, các doanh nghiệp cần đầu tư vào cải tiến công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn, việc tối ưu hóa sản xuất và giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện giá thành.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Giàu kiến nghị, hàng Trung Quốc cạnh tranh ở mọi kênh bán hàng, giá rẻ và đa dạng. Cần có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp, từ hàng rào kỹ thuật, thuế đến chính sách để cạnh tranh lành mạnh. Doanh nghiệp cũng phải tự cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để khẳng định vị trí trên thị trường.
Còn ông Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng ban logistics thương mại điện tử của Hiệp hội Logistics Việt Nam nhận định, để đối phó với làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi. Bên cạnh đó, cần cải thiện hệ thống logistics nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, qua đó tăng cường sức cạnh tranh cho hàng Việt trên thị trường.