Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Trong đó, một số địa phương đã có góp ý về dự thảo, và đề xuất bổ sung thời hạn di dời khẩn cấp chung cư hư hỏng.
Cụ thể, TP Hà Nội đề nghị bổ sung quy định thời hạn hoàn thành và cưỡng chế di dời khẩn cấp. Bộ Xây dựng (cơ quan soạn thảo) cho biết, đã tiếp tiếp thu “thời hạn di dời” trong nội dung quyết định di dời đối với các trường hợp khẩn cấp tại khoản 1 Điều 26 dự thảo. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thời hạn hoàn thành và cưỡng chế di dời khẩn cấp căn cứ vào tình hình cụ thể của từng dự án.
TP.HCM cũng đề nghị bổ sung thời hạn 12 giờ ban hành Quyết định di dời đối với trường hợp khẩn cấp. Về việc này, Bộ Xây dựng đã bổ sung vào điểm a khoản 1 Điều 26 dự thảo.
Trước đó, tại Điều 26 dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục di dời chủ sở hữu chung cư như sau:
Đối với nhà chung cư bị hư hỏng thuộc trường hợp phải phá dỡ do cháy, nổ hoặc trường hợp do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng thì thực hiện như sau:
Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong vòng 12 giờ. Nội dung quyết định bao gồm: Địa điểm nhà chung cư phải di dời khẩn cấp và nơi bố trí chỗ ở tạm thời; phương thức di dời; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Thứ hai, kể từ khi có quyết định di dời khẩn cấp, UBND cấp huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đưa toàn bộ chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đến chỗ ở tạm thời nêu trong quyết định.
Đối với chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ quy định tại Luật Nhà ở thì UBND tỉnh ban hành quyết định di dời sau khi phương án bồi thường, tái định cư được phê duyệt. Đồng thời, việc di dời thực hiện như sau:
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phê duyệt, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trình UBND tỉnh ban hành quyết định di dời theo quy định và gửi đến UBND cấp huyện, xã và các chủ sở hữu chung cư.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định di dời, UBND cấp huyện, xã phối hợp với chủ đầu tư dự án và các cơ quan liên quan tổ chức đưa toàn bộ chủ sở hữu chung cư đến chỗ ở tạm thời để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Nếu trường hợp chủ sở hữu không thực hiện di dời thì UBND cấp tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế theo quy định.
Được biết, TP.HCM có 474 chung cư cũ xây dựng trước 1975. Trong đó có 16 chung cư cấp D (hư hỏng nặng) với gần 1.200 hộ dân. Cũng trong số này, có tới 14 chung cư có kết quả kiểm định cấp D giai đoạn 2016-2017.
Trên địa bàn Hà Nội, thống kê của Sở Xây dựng cho biết, hiện có 1.579 chung cư cũ. Trong đó, có 6 khu chung cư nguy hiểm cấp D phải phá dỡ để xây dựng lại. Cụ thể như: Nhà C8 Khu tập thể (KTT) Giảng Võ, nhà G6A KTT Thành Công, nhà A KTT Ngọc Khánh, KTT Bộ Tư pháp...
Các chung cư nguy hiểm cấp D, xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Các chuyên gia cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ cần có bước đột phá từ việc lập quy hoạch chi tiết từng khu, cụm nhà chung cư... Bên cạnh đó, quy hoạch phải giải quyết khó khăn, vướng mắc và đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.