Mỗi dịp Tết đến xuân về, các tỉnh thành trên cả nước lại tổ chức những hoạt động trang trí đặc sắc để chào đón năm mới, trong đó linh vật rắn luôn là một biểu tượng đầy ý nghĩa và được trưng bày rộng rãi.
Năm 2025, với sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và sáng tạo hiện đại, linh vật rắn tại nhiều địa phương đã trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong không gian Tết. Từ những hình ảnh rắn hổ mang chúa biểu trưng cho tài lộc, đến những thiết kế rắn cách điệu mang đậm tinh thần nghệ thuật, các linh vật không chỉ thu hút du khách mà còn phản ánh tinh thần phát triển và khát vọng của từng vùng đất.
Hãy cùng điểm qua một số linh vật rắn đặc sắc được trưng bày tại các tỉnh thành trong Tết Ất Tỵ này.
TP. HCM
Sáng 21/1, cặp linh vật rắn ở đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ đã gây ấn tượng mạnh với người dân TP.HCM và du khách nhờ kích thước khổng lồ, uốn lượn đan xen tạo hình trái tim độc đáo.
Cặp linh vật rắn trên đường hoa Nguyễn Huệ được đặt tên là Kim Tỵ và Ngân Tỵ, với chiều dài lần lượt là 42 m và 25 m. Toàn bộ thân của chúng uốn lượn 3 vòng đan xen nhau, tạo thành đế rộng hơn 11 m, và chiều cao từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu là hơn 6 m.
Kim Tỵ và Ngân Tỵ được chế tác chủ yếu từ vật liệu thân thiện với môi trường, với 70% vật liệu sử dụng là các chất liệu thân thiện. Đầu và bụng của rắn được ốp tấm cót ép sơn màu, trong khi phần lưng phía trên được phủ lớp vảy mica gương phản quang, tạo nên sự óng ánh của "kim" và "ngân".
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2025, kỷ niệm tuổi 22, đã trở thành biểu tượng văn hóa ngày Tết của TP.HCM. Công trình độc đáo này được thực hiện với sự phối hợp của Saigontourist Group cùng các sở, ban ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp.
Đà Nẵng
Mô hình rắn màu đỏ được đặt tại cổng vào của điểm trang trí đường hoa phía Tây cầu Rồng, bên trong là linh vật rắn vàng. Đây là điểm trang trí nổi bật trong số 14 điểm hoa trên địa bàn TP. Đà Nẵng, với hơn 200.000 chậu hoa được huy động để sắp xếp, tạo nên một bức tranh xuân rực rỡ sắc màu dọc theo bờ sông Hàn.
Tại bờ Đông cầu Rồng, quận Sơn Trà, một linh vật rắn vui nhộn với chiếc nón lá in hình cờ đỏ sao vàng được trang trí giữa khu vực cầu Rồng và cầu Tình yêu. Nhiều du khách quốc tế rất thích thú và chụp ảnh với linh vật này.
Việc lắp đặt các linh vật là một phần trong dự án trang trí hoa và chiếu sáng thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng, nhằm tạo điểm nhấn thu hút người dân và du khách tham quan trong dịp Tết.
Huế
Đôi linh vật rắn màu đỏ cao 4,7 m và linh vật rắn màu xanh cao 4,9 m được đặt tại công viên trường Quốc học Huế, TP Huế. Thiết kế của chúng lấy cảm hứng từ Cửu Đỉnh – bộ đỉnh đồng nổi tiếng, biểu tượng quyền uy của triều Nguyễn, đồng thời phản ánh tinh hoa văn hóa và lịch sử Việt Nam.
Tạo hình linh vật rắn cách điệu theo hình trái tim, thể hiện tình yêu, sự hòa hợp và khát vọng phát triển của vùng cố đô. Việc đặt linh vật tại Bia Quốc học còn nhấn mạnh tinh thần vươn lên của Huế trên hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Cần Thơ
Tại Cần Thơ, cặp linh vật rắn xanh nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ vào tạo hình ngộ nghĩnh và đậm chất nghệ thuật. Một chú rắn đội nón, tay cầm micro, trông như đang chuẩn bị biểu diễn một bản hit để đời. Chú rắn còn lại có dáng vẻ điềm đạm, tay cầm đàn hạc.
Bộ đôi này không chỉ mang đến không khí vui tươi mà còn tạo cảm giác như cả thành phố đang hòa mình vào giai điệu rộn ràng của mùa xuân.
Phú Yên
Linh vật rắn hổ mang chúa – Kim Tỵ Phú Quý, được trưng bày tại đường hoa Xuân Ất Tỵ 2025, có chiều cao gần 11 m và dài 135 m. Ý tưởng thiết kế linh vật này lấy cảm hứng từ chủ đề chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng điện toán đám mây.
Xung quanh linh vật là các mô hình tháp Nghinh Phong – biểu tượng du lịch mới của TP Tuy Hòa. Vào ban đêm, ánh đèn vàng trên thân rắn tỏa sáng, tạo nên vẻ rực rỡ, làm nổi bật đường hoa xuân và thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Gia Lai
Tại đường hoa Tết ở quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, Gia Lai, linh vật rắn khoác trang phục thổ cẩm và quàng khăn đã thu hút sự chú ý của mọi người. Các biểu tượng vàng, bạc tượng trưng cho tài lộc và ấm no, kết hợp với nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, tạo nên điểm nhấn đặc sắc cho phố núi.
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (43 tuổi, TP Pleiku), các linh vật rắn gồm 8 con có chiều cao từ 1,4 - 4 m, được anh và cộng sự hoàn thiện trong hơn một tháng, cùng với mô hình cồng chiêng tôn vinh văn hóa Tây Nguyên.
Bình Định
Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định, cụm linh vật năm 2025 được lấy cảm hứng từ tượng rắn thần Naga 5 đầu tại tháp Chăm Dương Long (huyện Tây Sơn).
Trong tiếng Phạn, Naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn. Rắn Naga là một con vật thần thoại, thường được mô tả với nhiều đầu, phổ biến là 5, 7 hoặc 9 đầu. Với hình dáng đặc biệt, rắn Naga có cái mang phình ra rất to, che phủ nhiều đầu.
Quan niệm cổ xưa, rắn Naga là linh hồn của thiên nhiên, bảo vệ các nguồn nước như sông, suối, mạch ngầm, giúp mùa màng tươi tốt. Vì thế, rắn Naga được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc. Ngoài ra, rắn Naga còn có nhiệm vụ canh giữ đền tháp, bảo vệ đạo pháp, vì vậy nó thường xuất hiện trong các đền tháp.
Cụm linh vật năm Ất Tỵ 2025 lấy hình tượng từ cụm tháp Dương Long và tượng rắn Naga, trong đó cụm tháp Dương Long được làm phông nền chủ đạo với chiều cao 7,5 m, còn linh vật rắn thần Naga 5 đầu có chiều cao 5 m, nằm trong quần thể linh vật rộng hơn 200 m².
Bắc Giang
Tại Bắc Giang, linh vật “Rắn Hạnh Phúc” đang gây sốt trên mạng xã hội. Tác phẩm do anh Bùi Văn Quân sáng tạo đã nhanh chóng thu hút sự yêu mến của cư dân mạng. Với đôi mắt to tròn, hàng mi cong vút và vẻ ngoài đầy thần thái như một cô nàng tuổi 20, chú rắn không chỉ dễ thương mà còn lan tỏa năng lượng vui vẻ, tươi mới đến mọi người.
(Tổng hợp)