Nên khuyến khích thay vì bắt buộc các doanh nghiệp tăng cường i-ốt vào thực phẩm

Chuyên gia Đỗ Việt Hà khuyến nghị, thay vì áp dụng quy định bắt buộc, nhà sản xuất có thể tự nguyện bổ sung vi chất vào sản phẩm của mình, nhưng cần ghi rõ hướng dẫn sử dụng để người tiêu dùng có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mình.

Chưa ghi nhận trường hợp người dân nào thừa i-ốt

Mới đây, Bộ Y tế đã lên tiếng phản bác những thông tin cho rằng quy định toàn dân sử dụng muối i-ốt tại Việt Nam có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến việc thừa i-ốt.

Bộ Y tế khẳng định, những lập luận này thiếu cơ sở khoa học và bằng chứng, đồng thời nhấn mạnh việc này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực phòng chống rối loạn do thiếu i-ốt của ngành Y tế.

Bộ Y tế phản bác thông tin toàn dân sử dụng muối i-ốt tại Việt Nam có thể gây ra nguy cơ mắc bệnh cường giáp hoặc các vấn đề sức khỏe khác

Theo Bộ Y tế, không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm cả muối i-ốt dùng trong gia đình và trong chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp người dân nào thừa i-ốt. Từ năm 1994 đến nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân đã dẫn đến các bệnh lý tuyến giáp. Đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu i-ốt hoặc i-ốt cao đều có thể gây ra các bệnh về tuyến giáp.

Bộ Y tế dẫn số liệu từ Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt năm 2021 cho biết, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 26 quốc gia còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Cụ thể, chỉ có 27% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn, trong khi WHO khuyến cáo tỷ lệ này phải đạt trên 90%.

Các chỉ số liên quan đến i-ốt như chỉ số trung vị i-ốt niệu và tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đạt tiêu chuẩn đều ở mức nguy cơ thấp và chưa đạt yêu cầu của WHO. Báo cáo từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng cho thấy, hiện chưa ghi nhận trường hợp thừa i-ốt tại Việt Nam.

Bộ Y tế nhận định, người dân Việt Nam vẫn chưa tiêu thụ đủ lượng i-ốt cần thiết hàng ngày theo khuyến nghị, việc tăng cường sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày cũng như trong thực phẩm chế biến sẵn là cần thiết. Bộ cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là i-ốt, đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, được ví như một "nạn đói tiềm ẩn".

Nhằm cải thiện tình trạng trên, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp tiếp thu ý kiến dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Trong đó quy định doanh nghiệp chế biến thực phẩm (để tiêu dùng trong nước) phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt, cùng với tăng cường vitamin A vào dầu ăn, kẽm, sắt vào bột mì.

Bộ Y tế cho biết, hàm lượng vi chất dinh dưỡng được tăng cường vào thực phẩm sẽ được tính toán theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo cung cấp khoảng 30% nhu cầu thiếu hụt của cơ thể. Lượng vi chất này rất nhỏ (tính bằng microgram hoặc milligram), nhưng cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sức khỏe con người.

Khuyến khích hay bắt buộc?

Nhiều người băn khoăn liệu việc bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm có thể dẫn đến tình trạng dư thừa vi chất hoặc gây ra các bệnh lý liên quan, đặc biệt đối với các cộng đồng đã không còn thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định việc bổ sung vi chất vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không gây ra tình trạng thừa vi chất dinh dưỡng hay ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả đối với những người sống ở các khu vực không thiếu vi chất.

Tại Việt Nam, chỉ có 27% hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn

Tiến sĩ Roland Kupka - cố vấn dinh dưỡng của UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp hiệu quả để cung cấp vi chất cho những người có nguy cơ thiếu hụt mà không gây ra nguy cơ hấp thụ quá mức hoặc gây tác dụng phụ cho cộng đồng nói chung hay các nhóm cụ thể.

Việt Nam vẫn còn thiếu hụt nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng ở các nhóm tuổi khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là một biện pháp can thiệp hữu ích, giúp cải thiện dinh dưỡng cho nhiều nhóm cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cho rằng, việc bổ sung i-ốt là cần thiết đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc quy định bổ sung i-ốt vào tất cả các loại thực phẩm tiêu dùng trong nước. Theo ông, cần có nghiên cứu cụ thể hơn.

Các quốc gia hiện nay đều có chính sách bổ sung i-ốt, nhưng việc bổ sung này phụ thuộc vào tình hình thực tế, trình độ phát triển dân trí và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia. Thông thường, i-ốt sẽ được bổ sung vào các thực phẩm có chứa nhiều muối và được tiêu thụ phổ biến. Chính sách bổ sung i-ốt không nhất thiết phải bao phủ tất cả các thực phẩm công nghiệp, vì điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc khiến việc bổ sung i-ốt trở nên không hiệu quả sau khi chế biến.

Theo ông Thành, việc bổ sung i-ốt vào thực phẩm là cần thiết, nhưng cần phải lựa chọn giải pháp hợp lý cho Việt Nam, thay vì sao chép chính sách từ các quốc gia khác. Điều quan trọng là không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Ông nhấn mạnh, cần có nghiên cứu về ảnh hưởng của việc bổ sung i-ốt đối với người bệnh cường giáp. Nếu tất cả các sản phẩm đều chứa i-ốt, điều này có thể tác động đến những người đang điều trị cường giáp. Đồng thời, cần phân loại các sản phẩm khuyến khích sử dụng i-ốt và các sản phẩm hạn chế sử dụng i-ốt. Việc đưa i-ốt vào các sản phẩm chế biến đại trà có thể làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến chất lượng cảm quan của các sản phẩm truyền thống.

Trong khi đó, chuyên gia Đỗ Việt Hà - Phó Chủ tịch Hội Hóa Học TP. HCM nhận định, việc bổ sung vi chất như i-ốt, sắt, kẽm vào thực phẩm có tác dụng tích cực đối với những người thiếu các vi chất này. Tuy nhiên, với những người đã dư thừa vi chất, điều này có thể gây ra hậu quả khó lường. Vì vậy, ông cho rằng, Bộ Y tế nên khuyến khích doanh nghiệp thực hiện việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì bắt buộc.

Ông Hà đề xuất, nếu doanh nghiệp quyết định bổ sung vi chất như i-ốt vào muối, hay sắt, kẽm vào bột mì, họ cần ghi rõ thông tin này trên nhãn sản phẩm. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng ở những khu vực thiếu vi chất dinh dưỡng, hoặc những người có nhu cầu bổ sung i-ốt, sắt, kẽm có thể lựa chọn sử dụng sản phẩm phù hợp.

Chuyên gia Đỗ Việt Hà khuyến nghị, thay vì áp dụng quy định bắt buộc, nhà sản xuất có thể tự nguyện bổ sung vi chất vào sản phẩm của mình, nhưng cần ghi rõ hướng dẫn sử dụng để người tiêu dùng có thể lựa chọn phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của mình.

Đại diện nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp thực phẩm cũng đề xuất không nên bắt buộc, mà chỉ nên khuyến khích bổ sung i-ốt cho muối và sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm công nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ tự tìm hướng sản xuất phù hợp để đưa vi chất dinh dưỡng thân thiện vào trong sản phẩm. Đến khi ra sản phẩm cuối cùng vẫn đảm bảo chỉ số dinh dưỡng theo yêu cầu.

Bộ Y tế cho biết sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại các cơ sở sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt, nhằm làm rõ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Nếu có bằng chứng khoa học chứng minh việc sử dụng muối i-ốt làm thay đổi màu sắc, mùi vị của sản phẩm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ những sản phẩm này khỏi quy định.