Đề xuất tăng nặng xử phạt quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, lừa dối người tiêu dùng

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề xuất tăng mức xử phạt quảng cáo thực phẩm chức năng để đảm bảo tính răn đe, đồng thời công khai thông tin về các cơ sở, sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng giả vào qua đường tiểu ngạch

Những năm gần đây, nhu cầu chăm sóc sức khỏe cá nhân và sử dụng thực phẩm chức năng tăng mạnh, tạo nên một thị trường sôi động. Nhất là thời điểm này, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TikTok Shop phát triển mạnh mẽ giúp việc mua sắm thực phẩm chức năng trở nên vô cùng tiện lợi. Người tiêu dùng chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể tiếp cận hàng loạt sản phẩm từ vitamin, khoáng chất đến các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.

Những quảng cáo như "hiệu quả nhanh chóng", "giảm cân tức thì" hay "cải thiện làn da sau 7 ngày"… tràn ngập, khiến người tiêu dùng khó cưỡng lại và dễ dàng mua hàng mà không kiểm tra kỹ thông tin. Sự thiếu hiểu biết về công dụng và liều lượng sử dụng, lại thêm tin tưởng vào quảng cáo, người tiêu dùng dễ rơi vào tình trạng “mua không dừng”, thậm chí mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

thuc-pham-chuc-nang-gia-1-1730976860.jpg
Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế

Nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng, được bày bán công khai, gây nguy cơ cho sức khỏe người tiêu dùng. Một vụ việc điển hình gần đây là lực lượng chức năng đã phát hiện gần 50 tấn mỹ phẩm và thực phẩm chức năng giả tại một trang trại gà ở Đông Anh (Hà Nội).

Liên quan đến thực phẩm chức năng, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Bộ trưởng cho biết, hệ thống pháp luật quản lý thực phẩm chức năng của Việt Nam khá đồng bộ và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định và hướng dẫn về lĩnh vực này.

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó 84,7% là sản phẩm trong nước. Bộ cũng đã cấp 201 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP).

Các cơ quan chức năng đã kiểm tra 941.836 cơ sở, phát hiện 85.551 cơ sở vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 123 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là về sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Đáng chú ý, phần lớn thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng được nhập không rõ nguồn gốc qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam, sau đó được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, rồi mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật.

Bộ Y tế cũng chỉ rõ, các vi phạm khác như sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm hoặc không đúng chất lượng đã công bố...

Quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

Trong báo cáo, Bộ trưởng Đào Hồng Lan còn cho biết, Bộ Y tế đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo và xử lý vi phạm trên 184 đường link quảng cáo sai sự thật về thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Bộ cũng đã chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm cho Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm cho Bộ Công Thương để xử lý. Tổng số tiền phạt từ các vi phạm lên đến hơn 16 tỷ đồng.

thuc-pham-chuc-nang-gia-1730976860.jpg
Thực phẩm chức năng giả bị cơ quan chức năng thu giữ

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, như "thần dược", lừa dối người tiêu dùng hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Các hình thức vi phạm khác bao gồm sử dụng hình ảnh giả mạo của bác sĩ, dược sĩ, cơ sở y tế hoặc thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo chuyên gia để lừa đảo người tiêu dùng.

Công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là do sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức quảng cáo trực tuyến. Việc xử lý vi phạm, đặc biệt trên các trang mạng xã hội, trở nên phức tạp khi các quảng cáo thường xuất phát từ các máy chủ ở nước ngoài.

Một thách thức lớn khác là quản lý hình thức bán hàng qua điện thoại khi người tư vấn có thể đe dọa, làm nghiêm trọng hóa tình trạng bệnh tật để bán thực phẩm chức năng. Bởi chỉ có người nghe và người tư vấn biết thông tin, khiến cơ quan chức năng không thể giám sát nội dung và ngừng hành vi vi phạm ngay từ đầu.

Bộ trưởng nhấn mạnh, tình trạng này là do một số tổ chức và cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật và tính mạng cộng đồng. Những đối tượng này lợi dụng nhu cầu cao về thực phẩm chức năng để sản xuất hàng giả, nhập khẩu sản phẩm không rõ nguồn gốc, rồi gắn mác các thương hiệu lớn từ Mỹ, Canada, Nhật, Úc, sau đó cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định, đạo đức.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng đề xuất việc tăng cường quản lý quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo qua mạng xã hội. Cụ thể, cần công khai tên các cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm và nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tăng mức xử phạt và bổ sung các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo tính răn đe...

Thực tế, về bản chất, thực phẩm chức năng là một loại sản phẩm tốt cho sức khỏe nếu biết sử dụng đúng cách, hợp lý. Tuy nhiên, người dân không được xem đây là thuốc để điều trị bệnh. Các sản phẩm này chỉ cung cấp, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất. Việc lạm dụng có thể gây các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng.

PGS. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng An toàn thực phẩm cho biết, người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng theo quảng cáo sai sự thật sẽ làm mất thời gian vàng chữa trị cho chính họ. Do đó, cần có cơ chế quản lý và quy định pháp luật về lĩnh vực này.