Đăng tải dự báo thời tiết không phép trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khẳng định, những cá nhân và tổ chức không có giấy phép nhưng vẫn đưa ra thông tin dự báo khí tượng, đặc biệt là thông tin về thiên tai như bão, lũ, mưa lớn trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.

Tràn lan dự báo thời tiết trên mạng xã hội

Liên tiếp những trận bão lớn xuất hiện gần đây khiến thông tin về thời tiết thu hút được đông đảo sự chú ý. Bên cạnh các trang thông tin chính thống được cấp phép, nhiều tài khoản cá nhân và tổ chức trên các nền tảng mạng xã hội cũng bắt đầu chia sẻ dự báo thời tiết, mưa bão, thu hút hàng nghìn lượt tương tác.

Thậm chí, không ít tài khoản đã phát trực tuyến, cung cấp thông tin về diễn biến và cảnh báo thời tiết tại các khu vực trong và ngoài nước. Điều đáng chú ý là nhiều tài khoản này thường xuyên đưa ra nhận định cụ thể về tình hình thời tiết, nhưng nguồn thông tin lại không rõ ràng, gây hoang mang cho người xem.

du-bao-thoi-tiet-1-1731581468.jpg
Một tài khoản TikTok đăng thông tin dự báo thời tiết ở Huế sau bão Trà Mi không đúng sự thật (Ảnh: Nhật Linh/Tuổi Trẻ)

Điển hình như vào đêm 26/10, một tài khoản trên TikTok đã livestream (phát trực tiếp) đưa ra dự báo về cơn bão Trà Mi: Bão sẽ vào Quảng Nam, Đà Nẵng vào trưa mai, Huế sẽ có mưa cực lớn, gió mạnh khi bão đổ bộ nhé. Để người xem tin tưởng, người livestream còn mở trang Windy.com - một ứng dụng cảnh báo thời tiết. Đặc biệt, ở góc phải trên cùng của màn hình, một thanh công cụ quảng cáo bản Premium của Windy.com được đề nghị cho người dùng muốn có nhiều tiện ích hơn từ trang này.

Hàng trăm bình luận liên tiếp xuất hiện, người xem hỏi về tình hình mưa bão tại các địa phương của mình trong những ngày tới. Để đáp ứng người xem, người phát trực tiếp liên tục di chuột vào các vị trí có câu hỏi, sau đó lướt qua thanh công cụ hiển thị ngày tháng để trả lời.

Cùng thời điểm này, anh Trần T. (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng vội vã lái xe ô tô trong cơn mưa lớn để tìm nơi cao ráo đỗ xe, sau khi nghe thông tin trên mạng cho rằng TP. Huế sẽ bị lũ lớn sau bão Trà Mi. Anh T. chia sẻ, không biết thông tin trên mạng xã hội có chính xác hay không, nhưng anh vẫn cẩn thận tìm chỗ cao đỗ ô tô để tránh ngập.

Việc đăng tải thông tin dự báo thời tiết đã giúp nhiều tài khoản gia tăng lượng tương tác và số lượng người theo dõi lên tới hàng trăm nghìn chỉ sau vài bài đăng. Tận dụng lượng người xem đông đảo, nhiều tài khoản đã gắn liên kết với các trang thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến.

Có thể bị phạt tù tới 7 năm

Trước việc ngày càng có nhiều tài khoản mạng xã hội đưa ra các dự báo thời tiết, trao đổi với Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Văn Phi - Phó giám đốc Công ty Luật Lawkey cho biết, chỉ những cá nhân hoặc tổ chức được cấp phép mới có quyền đăng tải thông tin dự báo thời tiết.

Cụ thể, theo Điều 1 Quyết định 1600/QĐ-BTNMT năm 2023, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia là đơn vị công lập trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn, có chức năng tổ chức thực hiện dự báo, cảnh báo về khí tượng, khí hậu, thủy văn, nguồn nước và hải văn. Đồng thời, Trung tâm cũng chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ về khí tượng thủy văn theo quy định của pháp luật.

Đối với những tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, muốn thực hiện dự báo hoặc cảnh báo khí tượng thủy văn, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện và được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Điều 25 Luật Khí tượng thủy văn 2015.

du-bao-thoi-tiet-1731581468.jpg
Nhiều tài khoản mạng xã hội sử dụng các phần mềm như Windy để dự báo thời tiết

Luật sư Nguyễn Văn Phi nhấn mạnh, căn cứ theo Khoản 7 và Khoản 8 Điều 8 Luật Khí tượng thủy văn 2015, việc "hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn mà không có giấy phép hoặc trái với giấy phép đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp" hay "khai thác, sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trái phép" là hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, việc các cá nhân, tổ chức livestream để dự báo thời tiết khi không có giấy phép, phát tán thông tin sai lệch, chính là hành vi vi phạm Luật Khí tượng thủy văn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Phi, những trường hợp vi phạm cố tình có thể bị xử phạt hành chính và trong trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm, các cá nhân hoặc tổ chức này có thể đối mặt với mức án tù từ 2 - 7 năm theo Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Trong khi đó, trả lời Báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng khẳng định, những cá nhân và tổ chức không có giấy phép nhưng vẫn đưa ra thông tin dự báo khí tượng, đặc biệt là thông tin về thiên tai như bão, lũ, mưa lớn trên mạng xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo ông Hùng, để đưa ra một thông tin dự báo thời tiết hoặc thiên tai chính xác, cần phải thu thập rất nhiều số liệu quan trắc từ các trạm đo, radar, vệ tinh và tham khảo các sản phẩm dự báo của các trung tâm khí tượng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Về việc các "nhà dự báo khí tượng online" sử dụng phần mềm như Windy, Accuweather... không có bản quyền để livestream dự báo thời tiết, ông Hùng cho hay, những phần mềm này chỉ là công cụ tham khảo cho các bản tin dự báo chính thống. Các số liệu từ những phần mềm và trang web không có bản quyền thay đổi liên tục, nên độ chính xác không cao.

Ông khuyến cáo, người dân cần phải tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt là các dự báo thời tiết trên mạng. Hãy tìm đọc và xem các thông tin dự báo từ các cơ quan có thẩm quyền, chính thống để đảm bảo độ chính xác.