Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 1-2%?

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi, phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay. Đây là nỡ lực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Cụ thể, NHNN yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quy trình cho vay để nỗ lực phấn đấu giảm lãi suất cho vay 1-2%/năm, nhất là đối với lĩnh vực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, nhà ở xã hội…

Đồng thời, các ngân hàng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, mở rộng tín dụng lành mạnh, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ.

Giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn ngân hàng

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng đến hết quý II/2024 ở mức 5-6%; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Cùng với đó, các ngân hàng cũng phải rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi, đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn.

Động thái này của NHNN diễn ra ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến lãi suất cho vay, theo khảo sát của Đô Thị Mới, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện, lãi suất cho vay của một số gói tín dụng ngắn hạn có ưu đãi chỉ từ 2,5-3%/năm; đối với các khoản vay trung – dài hạn chỉ từ 5-6%/năm, thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.

Đơn cử, tại Agribank đang áp dụng lãi vay 3%/năm với kỳ hạn 3 tháng cho 5 lĩnh vực ưu tiên; lãi suất cho vay thông thường áp dụng cho khoản vay ngắn hạn là 5%/năm, cho vay trung và dài hạn 6%/năm. Tương tự, BIDV tại Hà Nội và TP.HCM có lãi suất cho vay ưu đãi từ 5%; đối với các địa phương khác, mức lãi suất cho vay mua nhà cố định từ 6%/năm.

Các ngân hàng có vốn Nhà nước đang cho vay ưu đãi chỉ từ 5% với các khoản vay trung và dài hạn

Tại VietinBank, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,2%/năm, vay trung, dài hạn từ 5,8%/năm, áp dụng cho khách hàng vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; Vietcombank, các khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng lãi suất ưu đãi từ 6%.

Không chỉ tại các ngân hàng có vốn Nhà nước, các ngân hàng thương mại tư nhân như BVBank hiện đang áp dụng lãi suất cho vay kinh doanh, mua nhà, mua xe chỉ từ 5%/năm; Sacombank áp lãi suất từ 3%/năm cho nhu cầu vay của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh ngắn hạn…

Đáng chú ý, tại một số ngân hàng, dù biểu lãi suất huy động cao nhất đang là 5,5% nhưng vẫn dành hàng nghìn tỉ đồng cho vay 1 số nhóm doanh nghiệp ưu tiên với lãi suất chỉ từ 5%/năm.

Theo số liệu của NHNN, lãi suất cho vay bình quân các khoản vay mới đang ở mức 6,4%/năm, giảm 0,7% so với cuối năm ngoái. Về cầu tín dụng, đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng đạt 1,52%, tương đương khoảng 13,78 triệu tỷ đồng được cho vay ra nền kinh tế. Trước đó,tăng trưởng tín dụng đã ở mức âm trong 2 tháng đầu năm.