Nên sử dụng công cụ lãi suất hay room tín dụng trong điều hành?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tín dụng có thể tăng trưởng nóng nếu bỏ room, trong khi nhiều đại biểu Quốc hội lại đề xuất nên sử dụng công cụ lãi suất để điều hành.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo trình Quốc hội, trong đó có nội dung về nhiệm vụ nghiên cứu hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD). Đây là nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho NHNN từ năm 2022.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình triển khai nhiệm vụ này, NHNN đã không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ năm 2024, còn lại vẫn tiếp tục chịu sử quản lý của NHNN. Điều này đồng nghĩa với việc, NHNN vẫn kiên trì quan điểm chưa thể xóa bỏ công cụ này.

Cần biện pháp thay thế

Trước quan điểm kiên trì của NHNN, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị cho rằng, hiện nay, để điều hành tín dụng, NHNN thực hiện phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, việc áp đặt này có thể phát sinh tình trạng xin - cho. 

Trong khi, giai đoạn 2022-2023 là "hai năm toát mồ hôi" trong điều hành tiền tệ. Do vậy, về lâu dài cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ room tín dụng. Bởi lẽ lãi suất điều hành sẽ giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do NHNN điều chỉnh, lựa chọn với các tỉ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.

dai-bieu-ha-sy-dong-1716748601.jpg

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị cho rằng, về lâu dài cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng

Đồng quan điểm, GS.TS. Hoàng Xuân Quế Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, NHNN cần sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng vì can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của TCTD không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với quy định pháp luật, tiềm ẩn nhiều tiêu cực. Do đó, NHNN cần điều hành dựa trên các căn cứ khoa học, thông lệ quốc tế, đặc biệt là các tỷ lệ an toàn của hệ thống.

Được biết, việc áp room tín dụng được NHNN triển khai từ năm 2011. Trong quá trình triển khai, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã giảm từ mức trên 30%/năm (cá biệt có năm tăng 53,8%) xuống còn khoảng từ 12-14%/năm trong những năm gần đây. Từ đó, góp phần kiểm soát, duy trì lạm phát ổn định dưới 4%; ổn định thị trường tiền tệ; thúc đẩy các TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cải thiện các chỉ số an toàn hoạt động, giảm mặt bằng lãi suất thị trường, báo cáo thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hệ thống TCTD lại có sự phân hóa, tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, tỷ lệ nợ xấu vấn có xu hướng gia tăng…

Lo ngại “bóng ma” quá khứ

Cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã lý giải nguyên nhân chưa thể bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Theo đó, áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu gây thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN (vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải kiểm soát lạm phát).

Do đó, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường vốn vẫn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là vốn trung và dài hạn thì kênh tín dụng ngân hàng vẫn đóng vai trò chủ chốt.

thong-doc-nguyen-thi-hong-1-1716748770.jpg

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng

Từ đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ lo ngại sẽ tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản khi TCTD chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn. Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Do đó, Thống đốc cho rằng, nếu để TCTD tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát room thì “bóng ma qua quá khứ” năm 2011 có thể tái diễn.

Cụ thể, hệ thống ngân hàng giai đoạn 2007-2010, do đặc thù kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngân hàng nên tỷ lệ tín dụng/GDP giai đoạn này tăng nhanh. Kéo theo đó là các cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng, dẫn đến việc lãi suất cho vay tương ứng.

Đồng thời kéo theo nợ xấu tăng cao, nhiều ngân hàng có nguy cơ mất thanh khoản, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức 2 con số. Trong giai đoạn đó, các tổ chức quốc tế (IMF, WB và Moody’s) cảnh báo việc nới lỏng tín dụng trong giai đoạn này làm tăng nguy cơ rủi ro trọng yếu đối với ổn định kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an toàn hệ thống, mất khả năng kiểm soát nợ xấu.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã gây thêm ảnh hưởng kéo dài và nghiêm trọng đến nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng.

Do đó, việc bỏ room tín dụng cần được tiếp cận một cách thận trọng, đảm bảo đồng bộ các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.