Xe dịch vụ kín chỗ
Sáng 2/2 (mùng 5 Tết), chị Nguyễn Thị Linh (quê TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã gọi điện đặt xe 5 chỗ từ Sầm Sơn lên Hà Nội để kịp quay lại làm việc vào ngày mai. Nhưng sau nhiều cuộc gọi, chị vẫn chưa thể tìm được xe.
Một số chủ xe cho biết, họ đã kín lịch khách trong ngày, trong khi những người khác lại chỉ nhận khách đi du xuân trong nội tỉnh, không nhận khách đi Hà Nội vì lo ngại tắc đường và chi phí cước không đủ bù tiền xăng.
Anh Phạm Đức Thắng (quê Hải Hậu, Nam Định) đã rút được kinh nghiệm từ năm ngoái khi phải vất vả tìm xe, năm nay anh đã đặt xe trước Tết với mức giá 2 triệu đồng. Anh cho biết, ngày Tết, nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, xe dịch vụ hợp đồng luôn đắt khách. Vì là ngày nghỉ Tết nên giá cả sẽ cao hơn ngày thường, khách thuê xe phải chấp nhận.
Trong khi đó, gia đình chị Phan Thị Hồng (quê Kiến Xương, Thái Bình) dù đặt xe từ trước Tết nhưng vẫn phải chấp nhận lên từ sáng sớm mùng 4. Vì ngay từ thời điểm ấy, nhà xe đã xếp kín lịch.
Chị Hồng cho hay, nhiều năm qua, gia đình chị đều chọn xe dịch vụ, xe ghép khách để về quê. Xe đón tận nơi, trả tận nhà, rất thuận tiện. Do vậy, những dịp lễ Tết lớn trong năm, cả gia đình về quê, chị đều thuê trọn cả chuyến xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ.
Trên các hội nhóm xe dịch vụ, thời gian này rất ít bài đăng tìm khách, hầu hết là khách tìm xe. Dưới những bài đăng này cũng hiếm có bình luận nhận khách. Nhiều chủ xe dịch vụ cho biết, hầu hết khách đều đã đặt cọc từ trước Tết. Nhu cầu khách rất cao, có ngày các tài xế nhận điện thoại liên tục, nhưng chỉ nhận lịch của 1 - 2 khách, còn lại phải từ chối.
Anh Phạm Văn Trường - một chủ xe chạy dịch vụ chia sẻ, anh không thể nhận lịch rồi lại huỷ, làm lỡ việc của khách. Chỉ dám nhận lịch từ những khách đã đặt cọc trước để tránh trường hợp “bùng lịch”, phải tìm khách khác bù vào, rất mất thời gian.
Trong khi đó, tại các trục đường chính rời các địa phương để lên lại thành phố, cũng có rất đông người dân với lỉnh kỉnh đồ đạc, ngồi vạ vật đợi xe tại các ngã ba, ngã tư và cây xăng. Mặc dù không được phép đón khách dọc đường, song do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau Tết nên nhiều xe khách chạy tuyến cố định vẫn bất chấp quy định để đón khách.
Ít chuyến vì tài xế sợ tắc đường
Anh Nguyễn Hoàng Hải (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, trong dịp Tết năm nay, giá thuê xe dịch vụ chỉ tăng nhẹ so với năm trước. Cụ thể, với xe 16 chỗ, giá thuê cho hành khách từ Hải Hậu đi các điểm du lịch như Tràng An, Tam Chúc, Bái Đính hay chùa Hương vào khoảng 2,5 triệu đồng. Đối với xe 29 chỗ, giá thuê dao động từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng.
Mặc dù giá thuê xe có sự thay đổi, nhưng nhìn chung chỉ tăng tối đa khoảng 500 nghìn đồng so với ngày thường, tùy thuộc vào quãng đường và điểm đến. Theo anh Hải, đa số hành khách trong dịp Tết là khách quen, chủ yếu đi du xuân và lễ chùa, trong đó nhiều người đã đặt xe từ sớm, thậm chí trước cả một tháng để tránh khó khăn khi thuê xe đầu năm.
Từ mùng 4 đến mùng 6 Tết, anh Hải cho biết rất ít chuyến xe đi Hà Nội hoặc qua các khu vực nội thành Hà Nội được nhận do lo ngại tắc đường. Như chiều mùng 4 Tết, tài xế xe 16 chỗ của anh Hải khởi hành từ Hải Hậu lúc 14h, nhưng đến 20h mới trả khách xong ở Hà Nội và phải mất đến 23h mới về đến Hải Hậu.
Anh Hải chia sẻ, khách quen nên anh không tăng giá thuê xe dù tắc đường và tốn xăng. Tuy nhiên, sau vài chuyến như vậy, các anh em trong hội nhóm xe hợp đồng, xe du lịch đều cố gắng tránh các chuyến đi Hà Nội. Nếu tăng giá, lo mất khách dịp ngày thường, còn giữ giá thì không đủ bù chi phí.
Tương tự, anh Lâm (trú tại Nghi Sơn, Thanh Hóa) - chủ xe dịch vụ 7 chỗ cho biết, vào chiều mùng 5 Tết, anh nhận lịch chạy cho một gia đình từ Nghi Sơn ra Hà Nội. Giá thuê xe một chiều là 2,5 triệu đồng, trong khi giá thuê xe 5 chỗ thường dao động từ 2 - 2,2 triệu đồng. So với ngày thường, mức giá này cao hơn khoảng 500 nghìn đồng. Anh Lâm bảo, dịp Tết thường hay tắc đường, nếu không tăng giá thì không thể chạy được.
Anh Trần Duy Kiên (Vũ Trung, Thái Bình) - chủ xe dịch vụ 7 chỗ cho biết, ngày thường anh chạy xe ghép với mức giá 300 nghìn đồng/người. Ngày lễ Tết thì giá tăng khoảng 50 - 100 nghìn đồng. Ngay từ mùng 2 Tết, anh đã trở lại làm việc. Ngoài khách quen bao trọn chuyến đã đặt cọc từ trước Tết, thời điểm này anh không nhận chạy Thái Bình - Hà Nội vì sợ tắc đường. Dù vậy, anh cũng đã kín lịch khách đặt chở đi du xuân.
Theo nhiều tài xế dịch vụ, dù trong dịp Tết mọi người thường ăn uống, chúc tụng nhau, nhưng để đảm bảo an toàn giao thông cho hành khách, họ tuyệt đối không uống rượu và luôn giữ tinh thần tỉnh táo khi lái xe, kể cả vào buổi tối. Họ cũng phải hy sinh thời gian quây quần bên gia đình để làm việc. Chính vì vậy, việc giá xe tăng nhẹ trong dịp Tết là điều dễ hiểu và hầu hết hành khách đều thông cảm và vui vẻ chấp nhận.