Phụ huynh nên làm gì với tiền mừng tuổi của con?

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ truyền thông của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt là kiến thức về tiền bạc cho học sinh, là rất quan trọng. Các em cần trang bị kiến thức để quản lý tiền bạc một cách hợp lý, ví dụ như quản lý tiền lì xì.

Dạy con cách quản lý tiền lì xì

Lì xì là một phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán, mang ý nghĩa chúc phúc, cầu may mắn và thịnh vượng. Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa tinh thần, việc quản lý số tiền lì xì của trẻ em cũng đặt ra những vấn đề cần lưu ý.

Chị Trần Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, 3 năm qua, chị luôn gửi tiết kiệm số tiền mừng tuổi của con. Hiện số tiền này cũng đã được 10 triệu. Dù mới học lớp 8, nhưng con chị đã lên kế hoạch dùng tiền lì xì để mua máy tính khi vào đại học.

li-xi-1-1738410111.jpg
Khi con lớn dần, cha mẹ nên khuyến khích con sử dụng tiền một cách hợp lý và có trách nhiệm

Tương tự, anh Nguyễn Văn Thanh (Đống Đa, Hà Nội) cũng chọn cách gửi tiết tiền lì xì của con. Anh cho biết, ban đầu anh để con bỏ tiền vào lợn đất. Sau vài năm tích được một khoản, anh quyết định làm sổ tiết kiệm cho con. Sau 2 năm, số tiền lãi đã được gần 2 triệu đồng

Trong khi đó, anh Hà Văn Tú (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, năm nay con trai anh 15 tuổi và đã chủ động giữ tiền mừng tuổi để mua vé xe buýt, quà sinh nhật cho em gái và bạn thân. Theo anh Tú, khi con lớn dần, cha mẹ nên khuyến khích con sử dụng tiền một cách hợp lý và có trách nhiệm.

Bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ truyền thông của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, giáo dục tài chính cá nhân, đặc biệt là kiến thức về tiền bạc cho học sinh, là rất quan trọng. Các em cần trang bị kiến thức để quản lý tiền bạc một cách hợp lý.

Điển hình là việc quản lý tiền lì xì thế nào cho hợp lý. Theo bà Sen, các em có thể tự cất giữ tiền lì xì bằng cách "nuôi" lợn đất, một thói quen phổ biến ở nhiều bạn nhỏ. Ngoài ra, cũng có em chọn gửi tiền cho cha mẹ giữ hộ hoặc giữ lại cho mình để mua sắm đồ dùng học tập và chi tiêu vào những việc cần thiết.

Bà Sen chia sẻ, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em cần được trang bị những kiến thức cơ bản về tiền bạc để hiểu và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.

Để được ăn no, mặc ấm, mỗi ngày các em được đến trường là nhờ sự quan tâm, yêu thương, công sức của cha mẹ. Do vậy, mỗi em cần hiểu và biết trân trọng sức lao động của cha mẹ, bằng việc sống có trách nhiệm, nỗ lực học tập và rèn luyện để sau này tự lo cho bản thân mình.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết, kiến thức tài chính đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các cấp học. Ví dụ, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, các em đã tiếp cận những nội dung liên quan đến mua sắm, tiền bạc và lãi suất thông qua các bài toán và môn học khác.

li-xi-1738410111.jpg
Nhiều phụ huynh chọn gửi tiết kiệm tiền lì xì của con

Có thể bị phạt tới 30 triệu đồng

Thực tế, cha mẹ thường giữ tiền lì xì của con để giúp các con tiết kiệm, tránh tiêu xài lãng phí, hoặc sử dụng vào các mục đích hợp lý như mua sách vở, quần áo, hay đóng học phí. Nếu việc giữ tiền nhằm đảm bảo lợi ích của con, hành vi này hoàn toàn hợp pháp.

Nếu giữ tiền giúp con, nên có sự thỏa thuận rõ ràng và giải thích hợp lý. Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên, cần tham khảo ý kiến của con khi sử dụng số tiền này. Khi trẻ đủ 15 tuổi, nên để con tự quản lý tài sản hoặc hỗ trợ quản lý theo mong muốn của con.

Tuy nhiên, nếu cha mẹ sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân mà không vì lợi ích của con, hoặc không hoàn trả lại khi con đủ tuổi để quản lý tài sản thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, điều 75 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, trẻ em có quyền sở hữu tài sản riêng, bao gồm tài sản được thừa kế, tặng cho riêng, thu nhập từ lao động và các nguồn thu hợp pháp khác. Tiền lì xì, được tặng cho trẻ em trong dịp Tết, vì vậy được coi là tài sản riêng của trẻ.

Đối với trẻ dưới 15 tuổi, cha mẹ có quyền quản lý tài sản riêng của con và chỉ được phép sử dụng tài sản đó vì lợi ích của con. Đối với trẻ từ 15 tuổi trở lên, trẻ có quyền tự quản lý tiền lì xì hoặc có thể nhờ cha mẹ giữ hộ. Nếu cha mẹ sử dụng tiền lì xì của con vào mục đích cá nhân mà không vì lợi ích của con, hành vi này có thể bị coi là vi phạm pháp luật.

Theo Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Điều này áp dụng khi cha mẹ lấy tiền lì xì của con mà không có sự đồng ý của con và không sử dụng vì lợi ích của con.

Mức xử phạt này áp dụng khi cha mẹ tự ý chiếm đoạt tài sản riêng của con, sử dụng tiền lì xì cho mục đích cá nhân thay vì vì lợi ích của con, và không tham khảo nguyện vọng của con khi sử dụng tài sản đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên.