Bị “nhân viên nhà mạng” đe dọa
Ngày 25/2, Công an xã Mỹ Long (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã thành công ngăn chặn một vụ lừa đảo qua mạng, liên quan đến số tiền gần 200 triệu đồng. Nạn nhân là ông C.V.H. (65 tuổi) và bà P.T.T. (64 tuổi), cùng cư trú tại xã Mỹ Long.
Theo ông H. và bà T., thời gian gần đây, họ nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là "nhân viên nhà mạng", thông báo ông bà đã sử dụng sim chính chủ để mạo danh kêu gọi quỹ từ thiện.
Đối tượng đe dọa hành vi này sẽ xử lý hành vi này theo pháp luật, rồi yêu cầu ông H. chuyển 98,5 triệu đồng, bà T. chuyển 86 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nếu không thực hiện, họ sẽ bị triệu tập lên công an hoặc bị bắt giam.
Nhận thấy sự bất thường, ông H. và bà T. đã đến Công an xã Mỹ Long để trình báo. Sau khi tiếp nhận, lực lượng công an đã trấn an ông bà và khẳng định đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi nhằm lợi dụng tâm lý hoang mang để chiếm đoạt tài sản. Công an xã Mỹ Long đã giúp ông H. và bà T. nhận thức rõ nguy cơ, tránh được việc mất tiền oan.
Thực tế ghi nhận, người già đang là mục tiêu bị những kẻ xấu nhắm tới khi nhiều trường hợp lừa đảo bị phanh phui, ngăn chặn kịp thời. Trước vụ việc trên, vào tháng 11/2024, Công an phường Phúc Thành (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cũng đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo cụ bà 78 tuổi qua mạng viễn thông.
Theo đó, Công an phường Phúc Thành nhận được thông tin từ một tiệm vàng trên địa bàn về việc cụ bà đến bán 2 sợi dây chuyền, 1 lắc tay, 1 vòng tay đính hạt, 1 đôi hoa tai và 1 sợi dây chuyền. Tổng giá trị tài sản thời điểm đó lên đến 84 triệu đồng. Chủ tiệm vàng cho biết, trong suốt quá trình giao dịch, cụ bà có biểu hiện lo lắng, sợ hãi và liên tục nhận những cuộc điện thoại yêu cầu chuyển tiền.
Ngay lập tức, tổ công tác của Công an phường Phúc Thành đã có mặt để xác minh vụ việc. Sau khi được cán bộ công an động viên, cụ bà đã cung cấp thông tin cá nhân, tên Đ.T.T. (SN 1946, trú phường Đông Thành). Theo lời kể của cụ T., cụ nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ Cục ma túy, Bộ Công an. Người này thông báo, cụ đang bị điều tra vì liên quan đến một vụ án ma túy và sẽ bị bắt tạm giam, nếu muốn chứng minh vô tội, cụ cần phải đặt một số tiền để bảo đảm.
Vì quá hoang mang lo sợ, cụ đã mang toàn bộ số vàng dành dụm đi bán để chuyển tiền theo yêu cầu. Sau khi được các cán bộ công an giải thích về thủ đoạn lừa đảo qua mạng viễn thông, cụ bà mới nhận ra mình đã bị lừa.
Bảo vệ người già trước các đối tượng lừa đảo
Theo khảo sát của Google đầu năm 2024 về an toàn thông tin trực tuyến với người dùng Internet Việt Nam, 90% người dùng đã từng gặp phải các hình thức lừa đảo trực tuyến. Trong đó, nhóm người trên 55 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% trong nhóm này đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy 33% người dùng trong nhóm tuổi trên 55 có thói quen sử dụng mật khẩu đơn giản, tỷ lệ này là cao nhất so với các nhóm tuổi khác.
Trong khi đó, Công an TP. HCM cũng cho biết, khoảng 50% các vụ án lừa đảo có nạn nhân là người cao tuổi, nguyên nhân xuất phát từ việc họ lo sợ làm liên lụy đến con cháu và thiếu hiểu biết về công nghệ. Những yếu tố này tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội.
Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn hù dọa, khiến người cao tuổi hoảng loạn và dễ dàng tuân theo yêu cầu của chúng. Công an TP. HCM đã chỉ ra một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến như giả danh cơ quan chức năng, nhân viên nhà mạng, giả mạo tai nạn, quà tặng, kêu gọi từ thiện, chuyển nhầm tiền… Hiện nay, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng công nghệ Deepfake AI để giả mạo khuôn mặt và giọng nói khiến người cao tuổi tin tưởng đó là người thân quen của mình rồi chuyển tiền theo yêu cầu.
Các chuyên gia an ninh mạng đánh giá, người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương khi tham gia vào không gian mạng, vì vậy cần có những biện pháp bảo vệ kịp thời và hiệu quả.
Một trong những cách bảo vệ nhanh chóng và hiệu quả nhất chính là sự quan tâm, hỗ trợ từ con cháu trong gia đình. Cụ thể, con cháu nên tìm hiểu thói quen sử dụng internet của người lớn tuổi, cài đặt và hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các ứng dụng uy tín như đọc báo, xem phim, nghe nhạc, đảm bảo họ tiếp nhận thông tin chính xác và an toàn.
Để nâng cao tinh thần cảnh giác, con cháu cần thường xuyên cập nhật thông tin về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu và chia sẻ với ông bà, cha mẹ. Hướng dẫn họ cách nhận diện các cuộc gọi hoặc tin nhắn lừa đảo, khuyến cáo không nghe điện thoại từ các số lạ, không cài đặt phần mềm hay ứng dụng từ nguồn không tin cậy. Quan trọng nhất, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hay các tài khoản khác qua điện thoại, mạng xã hội hoặc các kênh trực tuyến.
Ngoài ra, các gia đình có thể sử dụng những giải pháp bảo mật tự động để bảo vệ người cao tuổi khi sử dụng internet, giúp giảm thiểu rủi ro từ các cuộc tấn công mạng.
Chuyên gia an ninh mạng Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chia sẻ, người già dễ trở thành mục tiêu của các kẻ lừa đảo vì họ ít cập nhật thông tin mới, thiếu kỹ năng công nghệ, và dễ tin tưởng vào người khác, nhất là khi lừa đảo được thực hiện với những câu chuyện cảm động hoặc danh tính giả. Thêm vào đó, nhiều người cao tuổi thường có tâm lý "mình đã già, không ai lại đi lừa đảo người già", chính điều này khiến họ dễ bị lừa đảo hơn.
Ông Sơn khuyến cáo, người thân cần thường xuyên trò chuyện với người cao tuổi, thông báo cho họ về các chiêu trò lừa đảo phổ biến và hướng dẫn cách xử lý khi gặp phải các tình huống tương tự.