“Con mồi” là phụ nữ trung niên
Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, lực lượng công an các nước Philippines, Campuchia và công an, biên phòng tỉnh Tây Ninh bắt giữ 30 nghi phạm liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thủ đô Phnom Penh.
Đồng thời, phối hợp với Đồn Công an Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay Quốc tế Nội Bài để bắt thêm 26 nghi phạm khác khi họ đang nhập cảnh vào Việt Nam.

Đây là một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia dưới hình thức đầu tư tiền điện tử Bitcoin qua ứng dụng UNISAT và lừa đảo qua công việc TikTok. Hoạt động của nhóm này vô cùng tinh vi và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhiều nạn nhân với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhiều đối tượng chủ chốt trong đường dây này là người Việt. Một trong số đó là Nguyễn Quang Phương (30 tuổi, quê Bắc Giang). Tại cơ quan điều tra, Phương khai đã gia nhập tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia có trụ sở tại Manila, Philippines vào đầu năm 2024. Phương được chủ người Trung Quốc chỉ đạo quản lý và đào tạo các kịch bản lừa đảo chi tiết cho người Việt Nam.
Phương sử dụng tài khoản Facebook giả mạo, xây dựng hình ảnh doanh nhân thành đạt để tiếp cận các phụ nữ trung niên Việt Nam, chủ yếu là những người đơn thân hoặc thiếu thốn tình cảm, theo kịch bản “7 ngày xây dựng lòng tin”. Mục đích là lôi kéo họ đầu tư tiền điện tử nhằm mục đích lừa đảo.
Cụ thể, ngày đầu tiên, chúng tìm kiếm đối tượng và bắt đầu nhắn tin làm quen, trao đổi để hiểu về sở thích và hoàn cảnh gia đình của nạn nhân. Ngày thứ hai, chúng tiếp tục nhắn tin, gửi lời chúc và quan tâm đến nạn nhân vào các giờ trong ngày. Sau đó, nhóm lừa đảo gửi ảnh giả mạo của bản thân là doanh nhân thành đạt làm việc ở nước ngoài.
Lấy được lòng tin của nạn nhân, nhóm lừa đảo chuyển sang giai đoạn yêu đương, quan tâm đến sức khỏe và đời sống của nạn nhân để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn. Khi nạn nhân tin tưởng tuyệt đối, chúng mời gọi đầu tư vào các dự án chung để “xây dựng tương lai tốt đẹp”.
Nếu nạn nhân đồng ý, chúng sẽ báo cáo với cấp trên người Trung Quốc để đưa ra các gói đầu tư. Khi nạn nhân đã đổ tiền vào, nhóm lừa đảo sẽ thông báo thông tin đầu tư của họ có sai sót khiến nạn nhân không thể rút tiền và bị chiếm đoạt tài sản.

Người Việt lừa người Việt
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng. Như Nguyễn Quang Phương được giao nhiệm vụ tiếp cận trực tiếp với nạn nhân. Sau khi đã tại được lòng tin, để lừa đảo khách hàng với số tiền lớn hơn, nhóm nghi phạm áp dụng chiêu thức hứa hẹn lợi nhuận. Khi khách hàng đầu tư lần đầu tiên, họ sẽ nhận được một khoản lợi nhuận để tin tưởng và tiếp tục đầu tư với số tiền lớn hơn.
Theo đó, ban đầu, nhóm lừa đảo yêu cầu khách hàng đầu tư 500USD và hứa hẹn trả 30% lợi nhuận của số tiền đã bỏ ra. Khoản lợi nhuận này sẽ được chuyển vào tài khoản khách hàng.
Tiếp đến, chúng thuyết phục khách hàng nâng gói đầu tư lên 5.000USD, với mức lợi nhuận 30%. Lợi nhuận từ khoản đầu tư này cũng được chuyển vào tài khoản khách hàng để củng cố thêm niềm tin.
Sau đó, nhóm lừa đảo tiếp tục thuyết phục khách hàng đầu tư những khoản tiền lớn hơn, cho đến khi khách hàng không còn khả năng tiếp tục đầu tư. Lúc này, nhóm sẽ báo cáo với cấp trên và tiến hành hành động "giết khách" bằng cách chặn liên lạc, khóa tài khoản giao dịch, chiếm đoạt toàn bộ số tiền của nạn nhân rồi biến mất.
Thuật ngữ “giết khách” được các đối tượng lừa đảo sử dụng để chỉ việc lừa khách chuyển thêm tiền để mua “sản phẩm”.
Theo lời khai của Nguyễn Quang Phương, sau khi gia nhập công ty và được đào tạo, Phương đã nhận ra mình đang bị hướng dẫn cách thức lừa đảo. Tuy nhiên, Phương đã nhiều lần xin về nước nhưng do chưa tiếp cận được khách hàng nào, việc xin về rất khó khăn.
Phương cho hay, nếu đã gia nhập công ty mà không tiếp cận được khách hàng nào, khi muốn về nước thì phải đền bù một khoản tiền lớn lên đến hàng chục triệu đồng. Số tiền này quá lớn, Phương không có khả năng đền bù nên buộc phải tiếp tục làm việc để công ty giảm số tiền bù, hy vọng có thể lấy lại hộ chiếu và về nước.

Tương tự, Nguyễn Văn Đồng (25 tuổi, quê ở Bắc Giang) cũng là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo, đảm nhận vai trò kỹ thuật viên chuyên trách việc "nuôi Facebook" để phục vụ toàn bộ hoạt động của nhóm.
Đồng gia nhập tổ chức lừa đảo từ tháng 7/2023 và được chủ người Trung Quốc giao nhiệm vụ quản lý, vận hành hàng trăm tài khoản Facebook ảo. Công việc của Đồng bao gồm tiếp nhận các ID tài khoản Facebook đã mua lại, chiếm quyền truy cập và chuyển đổi thành các tài khoản lừa đảo, sau đó giao cho nhân viên sử dụng.
Khi các tài khoản bị khóa do chính sách của Facebook hoặc lỗi hệ thống, Đồng có trách nhiệm phục hồi, sửa chữa giao diện và bài đăng để các tài khoản này trông giống như tài khoản cũ, giúp đảm bảo quá trình lừa đảo không bị gián đoạn.