Người trẻ mắc “hội chứng con vịt” khi áp lực tâm lý được che giấu dưới vỏ bọc hoàn hảo

"Hội chứng con vịt" được sử dụng để mô tả những người luôn thể hiện hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác, nhưng lại cố gắng che giấu những khó khăn, căng thẳng và áp lực ẩn sâu bên trong. Hiện nay, rất nhiều người trẻ đang rơi vào tình trạng này.

Hoàn hảo bên ngoài, căng thẳng bên trong

Mỗi thế hệ đều phải đối mặt với những khó khăn riêng, nhưng người trẻ hiện nay chịu nhiều kỳ vọng từ xã hội, dẫn đến áp lực cũng trở nên khác biệt. Họ có thể gặp áp lực từ bạn bè đồng trang lứa, nhu cầu đạt được sự hoàn hảo trong bản thân, yêu cầu chuyên môn trong công việc, hoặc kỳ vọng quá lớn từ gia đình và xã hội. Điều này khiến không ít bạn trẻ đang rơi vào "hội chứng con vịt".

"Hội chứng con vịt" (Duck syndrome) là thuật ngữ được các nhà nghiên cứu sử dụng để mô tả những người luôn thể hiện hình ảnh hoàn hảo trong mắt người khác, nhưng lại cố gắng che giấu những khó khăn, căng thẳng và áp lực ẩn sâu bên trong. Trong sinh hoạt hàng ngày hay trên mạng xã hội, họ thường xuyên xuất hiện với những thành tích nổi bật, vẻ ngoài rạng rỡ và nụ cười tươi tắn, nhưng ít ai biết đằng sau đó là những sóng gió, nước mắt và tổn thương tâm lý mà họ phải chịu đựng.

Nhiều người trẻ đang rơi vào "hội chứng con vịt"

Sự không nhất quán giữa bên ngoài và bên trong này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của chính họ, mà còn tạo ra áp lực cho những người xung quanh.

N.T.T.A - một sinh viên tại TP. HCM chia sẻ, chị gái của mình dường như đang gặp phải tình trạng này. Từ nhỏ, chị gái của A. luôn là người xinh đẹp và thông minh, nhận được rất nhiều kỳ vọng từ ông bà, cha mẹ. Hành trình của chị luôn đáp ứng những mong đợi đó: Học rất giỏi, đạt nhiều thành tích khiến cả nhà tự hào. Ra trường đi làm, chị cũng gặt hái được những thành công đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, một ngày, chị gái bất ngờ hỏi A.: "Nếu một lúc nào đó công việc của chị không ổn định, em có thất vọng về chị không?". Câu hỏi đó khiến A. nhận ra điều gì đó không ổn. Ít lâu sau, gia đình phát hiện chị gái của A. gặp rối loạn sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.

Khuôn mặt điển trai và nụ cười điềm đạm, T.T.M cho người gặp cảm giác ấm áp, nhất là khi biết cậu đang theo học ngành tâm lý tại TP. HCM. T.T.M chia sẻ, nhiều người khi biết cậu là con trai duy nhất trong gia đình có điều kiện kinh tế tốt, học tại trường đại học hàng đầu và luôn tích cực tham gia các hoạt động thì thường nghĩ rằng cậu là một người hoàn hảo. Nhưng bản thân cậu biết, điều đó không đúng.

M. tiết lộ, ít nhất đã hai lần cậu từng muốn tự sát. Cậu là nạn nhân của bắt nạt học đường trong suốt những năm tiểu học và trung học cơ sở. Vào trung học phổ thông, cậu lại bị cô lập. Lần gần nhất cậu nghĩ tới cái chết là khi anh trai mất, rồi bà ngoại - người mà em có thể tâm sự, cũng qua đời. Hiện tại, M. đang điều trị chứng trầm cảm. M. bảo, cậu chọn học ngành tâm lý với hy vọng có thể giúp bản thân và cộng đồng xung quanh.

Áp lực phải là người hoàn hảo khiến không ít người trẻ bị rối loạn tâm lý

Rối loạn sức khỏe tâm thần của người trẻ

Tiến sĩ tâm lý học Lê Nguyên Phương chia sẻ, ông không đồng tình với thuật ngữ "vượt sướng" cũng như quan niệm cho rằng "chữa lành chỉ dành cho người giàu, còn người nghèo thì phải chịu đựng". Nhiều người cho rằng thế hệ Gen Z hiện nay có đủ đầy về vật chất, chỉ thiếu thốn về đời sống tinh thần và dễ gặp căng thẳng, trầm cảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều bạn trẻ sống ở vùng sâu, vùng xa với điều kiện sống khó khăn.

Một số bạn mới bắt đầu đi làm, phải đối mặt với tài chính hạn chế và thu nhập thấp, sống trong những phòng trọ chật chội, chịu đựng căng thẳng mà không có cách giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, và đôi khi là chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu, mà các bạn lại không có đủ tài chính và thời gian để điều trị.

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thanh Đạt - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, trước đây chúng ta chưa có cái nhìn đầy đủ về sức khỏe tâm thần và thường chỉ tập trung vào sức khỏe thể chất. Chuyện lo âu và căng thẳng là hiển nhiên mà không nhận ra rằng nếu tình trạng này kéo dài thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, dẫn đến mất khả năng lao động, cống hiến và kết nối với xã hội.

Bác sĩ Đạt nhấn mạnh, người trẻ cần nhận thức rằng áp lực hay stress có thể là động lực thúc đẩy họ hoàn thành công việc, nhưng chỉ khi nó ở mức vừa đủ. Khi áp lực trở nên quá lớn, dẫn đến tình trạng không thể làm việc hiệu quả và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, họ cần chú ý và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời.

Còn chị Phan Tường Yên - nhà đào tạo tâm lý học ứng dụng và giám đốc các chương trình tâm lý tại Saigon Psychub cho biết, người trẻ hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu và thống kê chỉ ra rằng, nhóm tuổi từ vị thành niên đến 30 tuổi là giai đoạn dễ bị rối loạn sức khỏe tâm thần nhất. Thực trạng nghiêm trọng này cần được chăm sóc và hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, sau đại dịch, sức chịu đựng tinh thần của con người đã trở nên mong manh hơn và sự nhạy cảm cũng tăng lên.

Chị Tường Yên khuyên người trẻ nên dành thời gian cho những mối quan hệ chất lượng để tăng cường sức bật về mặt tinh thần, đồng thời thực hành yêu thương bản thân và biết ơn hơn. Điều này giúp mở ra sự cảm thông và kết nối với thế giới bên trong.

Bác sĩ Đạt cũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện tại, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến con cái. Cha mẹ không nên chỉ nhìn nhận những hành động như bỏ ăn hay bỏ học là do lười biếng, mà cần xem xét từ nhiều góc độ. Những dấu hiệu nhỏ đó có thể là biểu hiện của vấn đề sức khỏe tâm thần sâu bên trong mà con cái cần sự đồng hành để tháo gỡ.