Bán lại quần áo không dùng nữa
Trần Thị Minh Thư (Ba Đình, Hà Nội) sau khi soạn xong những chiếc váy không dùng nữa, lấy điện thoại ra chụp lại. Tiếp đó, cô đăng tải lên một hội nhóm trên mạng để bán lại.
Thư cho biết, những chiếc váy này cô mới mặc 1 - 2 lần, vẫn còn rất mới. Tuy nhiên, cô đã có ảnh chụp với những chiếc váy này rồi, nên không có nhu cầu mặc lại nữa. Do đó, cô đăng lên mạng để bán lại với giá rẻ, coi như là “cũ mình mới người”.
Lê Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thường bán lại quần áo sau 1 - 2 lần mặc, nhưng theo cách ký gửi chứ không đăng bán trực tiếp như Thư. Hạnh chia sẻ, để mua sắm mà không cảm thấy có lỗi và giúp tủ đồ gọn gàng hơn, cô đã đem những món quần áo không dùng nữa đi ký gửi.
Mọi bước đều thực hiện online, đầu tiên là tìm hiểu và chọn nơi ký gửi phù hợp, thường ưu tiên gần nhà. Sau đó, Hạnh tự đóng gói đồ và gọi ship hoặc nhờ nhân viên đến lấy. Thời gian ký gửi có thể từ vài ngày đến vài chục ngày. Nếu đến hạn mà đồ vẫn chưa bán được, cô lại tiếp tục ký gửi. Vì đa số đều là người trẻ nên việc trao đổi khá thoải mái, qua vài lần là trở thành khách quen.
Ngày nay, việc tìm kiếm một địa chỉ ký gửi quần áo trực tuyến không còn khó khăn, bởi đây đang là một xu hướng nổi bật, đặc biệt được giới trẻ ưa chuộng. Họ đã sáng tạo ra nhiều giải pháp ký gửi giúp những người yêu thích thời trang có thể thường xuyên đổi mới phong cách, theo kịp các bộ sưu tập thịnh hành, hoặc đơn giản là muốn tiết kiệm và "tái sử dụng" tiền để mua sắm thêm đồ mới.
Thông qua các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram… họ không chỉ kinh doanh rộn ràng mà còn chia sẻ thông tin về các bước ký gửi, chính sách, mức giá và chiết khấu rõ ràng. Khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin và nhanh chóng tham gia vào xu hướng này.
Cung và cầu từ đó được hình thành, tạo nên sự sôi động của một "chợ" thời trang online độc đáo. Tại đây, người bán gần như không cần vốn để nhập hàng, người mua có thể săn được những món đồ yêu thích với giá phải chăng, trong khi người ký gửi thu hồi lại một phần chi phí đã bỏ ra để mua sắm.
Chị Lại Thị Thanh Hà (30 tuổi, Hà Nội) cho hay, chị thường mua đồ mặc vài lần rồi đem ký gửi để dành chỗ mua đồ mới. Có những món đồ đắt tiền không còn thích nữa, chị thanh lý ngay. Nhờ đó, tủ đồ của chị lúc nào cũng đầy đồ mới.
Thời trang xanh và bền vững
Một trong những lý do khiến dịch vụ ký gửi quần áo trực tuyến trở nên phổ biến trong giới trẻ là sự ảnh hưởng mạnh mẽ của xu hướng thời trang xanh và bền vững. Ngày càng nhiều bạn trẻ nhận thức rằng việc liên tục mua sắm và sử dụng thời trang nhanh gây tác động tiêu cực đến môi trường. Xu hướng thời trang tuần hoàn, thông qua việc ký gửi và mua lại đồ cũ, đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Điều này không chỉ giúp giảm lượng quần áo thải ra mà còn khuyến khích việc sử dụng đồ một cách có trách nhiệm và ý nghĩa hơn.
Chủ một cửa hàng ký gửi trên đường Đê La Thành (Hà Nội) chia sẻ, ban đầu chị chỉ đơn giản là thanh lý đồ cá nhân vì con gái thường mua sắm rất nhiều nhưng mặc 1 - 2 lần. Từ thiện thì không phù hợp, nên chị đăng bán để thanh lý. Dần dần, từ nhu cầu cá nhân, chị mở cửa hàng để mọi người có một địa chỉ uy tín gửi đồ ký gửi.
Khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và chị em văn phòng. Họ có thể đến trực tiếp xem và thử đồ. Chủ cửa hàng này nói thêm, vừa giải quyết được tủ quần áo, vừa góp phần giảm rác thải thời trang ra môi trường.
Chủ một cửa hàng chuyên mua bán, cho thuê thiết kế và đồ second-hand cao cấp ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho hay, nhiều người có quần áo còn mới nhưng không phù hợp để tặng hay làm từ thiện, nên họ gửi đến đây để "pass" đồ. Người này cần bán, người kia cần mua, "pass" qua "pass" lại không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn là thú vui, giúp tạo nên cộng đồng mua bán rất vui vẻ, gần gũi.
Chị cho biết thêm, trước đây, muốn mua đồ cũ, hầu hết mọi người phải đến các shop hoặc chợ đồ second-hand. Hàng thường được nhập từ nước ngoài, nên có nhiều món không hợp với người Việt về kiểu dáng và phong cách. Với dịch vụ ký gửi hiện nay, đồ được bán lại đa phần là của người Việt, rất phù hợp với xu hướng, phong cách và thời tiết.
Xu hướng “pass” quần áo cũng phản ánh sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng của giới trẻ. Thay vì theo đuổi việc mua sắm liên tục, nhiều bạn trẻ giờ đây coi trọng sự bền vững và trách nhiệm trong việc sử dụng tài nguyên. Việc mua quần áo cũ không còn là điều đáng xấu hổ hay mang ý nghĩa kinh tế thấp, mà trở thành lựa chọn thông minh.
Những món đồ đã qua sử dụng có thể mang lại giá trị mới khi đến tay người khác, trở thành cơ hội để người khác trải nghiệm phong cách độc đáo mà không cần phải đầu tư lớn. Đây như một vòng tuần hoàn chuyển từ người này tới người khác.