Nguy cơ mất quyền lợi khi mượn hồ sơ của người khác để đi làm

Trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, nhiều người tìm đến giải pháp "mượn hồ sơ" để có được công việc mong muốn. Tuy nhiên, hành động này tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt rủi ro cao việc không được hưởng bảo hiểm xã hội, gây thiệt thòi cho chính mình.

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Tại hội nghị giao ban tháng 9 mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, qua rà soát dữ liệu dân cư, đơn vị nhận thấy có tình trạng người lao động mượn hồ sơ đi làm để hưởng lương hưu hàng năm, qua đó trục lợi quỹ BHXH.

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do không đáp ứng được điều kiện tuyển dụng của người sử dụng lao động như tuổi đời, bằng cấp chuyên môn, địa bàn nơi cư trú… nên người lao động giả mạo hồ sơ.

BHXH Việt Nam đưa ra cảnh báo về tình trạng mượn hồ sơ của người khác để xin việc

Theo BHXH Việt Nam, việc người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để đi làm và tham gia BHXH là vi phạm khoản 1 điều 137 Luật Bảo hiểm xã hội. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn đối với cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Thời gian gần đây, cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các tình huống phát sinh từ thực tế, đặc biệt là các trường hợp đã hưởng chế độ BHXH mà chưa có phương án giải quyết cụ thể.

Theo các chuyên gia, tình trạng mượn hồ sơ lý lịch chủ yếu xảy ra trong nội bộ gia đình, khi một người thân mượn tên, tuổi, và thông tin nghề nghiệp để xin việc và tham gia BHXH.

Trước đây, cơ quan BHXH thường yêu cầu người lao động đến UBND xác nhận và điều chỉnh lại thông tin như tên, tuổi để hưởng các quyền lợi BHXH. Nhưng theo quy định mới, người lao động muốn được hưởng chính sách cần phải có phán quyết của tòa án tuyên bố hợp đồng lao động (ký kết dựa trên hồ sơ của người khác) là vô hiệu.

Để giải quyết vấn đề này, trước tiên người cho mượn hoặc người mượn hồ sơ phải nộp đơn khởi kiện tại tòa án nơi doanh nghiệp mà người mượn hồ sơ làm việc đặt trụ sở. Tòa án sau đó sẽ ra quyết định tuyên hợp đồng lao động vô hiệu, từ đó cho phép người lao động quay lại công ty ký hợp đồng lao động chính thức. Sau khi có quyết định này, cơ quan BHXH mới có đủ căn cứ để cấp lại sổ BHXH cho người lao động và xử lý các chế độ BHXH liên quan.

Những trường hợp mượn hồ sơ xảy ra khi người lao động làm việc tại nhiều địa phương khác nhau, do đó nếu muốn khởi kiện, họ phải nộp đơn tại tòa án địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Tuy nhiên, có những trường hợp doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc người mượn hồ sơ đã qua đời hoặc mất tích, gây ra khó khăn lớn trong việc giải quyết.

Hiện tại, những vướng mắc này chưa có giải pháp do không tồn tại chủ thể hoặc đối tượng để tòa án có thể giải quyết. Điều này dẫn đến việc sổ BHXH của người cho mượn bị treo, khiến họ có nguy cơ mất quyền lợi BHXH trước và sau này.

Nhiều người tới tuổi hưởng chế độ thì gặp khó khăn do sử dụng tên người khác để đóng bảo hiểm

Nguy cơ mất quyền lợi khi mượn hồ sơ của người lạ

Trường hợp của bà V.T.T. (58 tuổi, TP. HCM) là điển hình cho việc mượn hồ sơ của người khác để đi làm. Bà đã đi cầu cứu khắp nơi với hy vọng nhận được lương hưu sau gần 22 năm đóng BHXH.

Bà T. cho biết, do điều kiện không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng nên bà đã lấy hồ sơ của em gái để xin việc. Cùng thời điểm này, em gái bà cũng xin được việc ở một công ty khác. Cả hai người đều đóng BHXH bằng thông tin của em gái bà. Do ngày càng lớn tuổi, sợ mất việc nên bà giữ kín việc mượn danh em gái để làm việc.

Cuối năm 2020, công việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn do dịch Covid-19, bà T. phải nghỉ việc. Lúc này, bà cũng đủ tuổi nghỉ hưu và làm thủ tục hưởng chế độ thì bắt đầu gặp vướng mắc.

3 năm sau khi được nghỉ hưu, bà T. đã mang hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng như BHXH TP. HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở, UBND, TAND TP. HCM… khẩn thiết nhờ giải quyết chế độ hưu trí. Tuy nhiên, quá trình "trả lại" tên và quyền lợi cho bà gặp rất nhiều khó khăn. Đầu năm 2024, BHXH TP. HCM đã rà soát hồ sơ và căn cứ các quy định pháp luật để chính thức ban hành quyết định hưởng chế độ hưu trí hằng tháng đối với bà V.T.T.

Tương tự, hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Thanh (Nam Định) cũng mượn hồ sơ của người khác để xin việc. Thời điểm đó, anh lên Hà Nội tìm việc làm và thuê chung nhà với một người cũng tên Thanh. Cần gấp hồ sơ để nộp đơn xin việc, nên anh đã mượn hồ sơ của người này. Gần đây, anh cần làm chế độ thất nghiệp thì gặp khó.

Hiện tại, anh Thanh đã được hướng dẫn liên hệ với người đã mượn hồ sơ để yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng lao động mà họ đã ký là vô hiệu. Điều này sẽ giúp cơ quan bảo hiểm xã hội có cơ sở để điều chỉnh thông tin của anh. Tuy nhiên, anh Thanh cho biết sau khi chuyển chỗ ở, anh đã mất liên lạc với người kia và không biết làm thế nào để tìm lại người đó.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam cho rằng, việc mượn hồ sơ đi làm là sai, nhưng cần xét đến yếu tố lịch sử và hoàn cảnh, để có sự thấu hiểu và tìm cách giải quyết cho người lao động. Nguyên nhân khiến người lao động phải mượn hồ sơ do không đáp ứng điều kiện về tuổi đời, hoặc có giai đoạn một số doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng người ở một số tỉnh…