TP. HCM cần làm gì để lấy lại sức hút với người lao động nhập cư?

Chị Hiệp (quê Quảng Bình) đã quyết định rời TP. HCM trở về ở hẳn quê vào kỳ nghỉ Tết vừa qua. Chị tìm được một công việc gần nhà, mặc dù mức lương thấp hơn so với thu nhập khi làm công nhân ở thành phố. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, số tiền đó đủ để trang trải cuộc sống, thậm chí còn dư ra một khoản nhỏ.

Miền “đất hứa” đã ramất sức hút

Ngồi bệt bên vệ đường trong khu công nghiệp Tân Tạo (TP. HCM), anh Trí (quê Tây Ninh) mệt mỏi cho biết, những ngày qua anh phải lang thang khắp các khu công nghiệp để tìm việc, từ Tân Bình qua Vĩnh Lộc rồi xuống tận Tân Tạo.

Trước đây, anh làm công nhân tại một công ty thực phẩm ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Thế nhưng, công ty bất ngờ thông báo sẽ sa thải anh sau một tháng nữa. Anh cố gắng hỏi xin việc ở nhiều nơi, nhưng phần lớn chỉ nhận được những cái lắc đầu. Anh Trí bảo, thật sự buồn hơn là mệt, vì thấy nhiều nơi đang tuyển, có chỗ cần đến cả ngàn lao động nhưng chỉ tuyển dưới 40 tuổi. Anh đã 41 tuổi rồi, nên đành thất bại ngay từ vòng đầu.

nguoi-lao-dong-1740373734.jpeg
TP. HCM không còn là miền "đất hứa" với nhiều lao động phổ thông

Trong khi đó, chị Hiệp (42 tuổi, quê Quảng Bình) đã quyết định rời TP. HCM trở về ở hẳn quê vào kỳ nghỉ Tết vừa qua. Sau hơn 10 năm sống xa quê, chị Hiệp không khỏi ngậm ngùi khi phải làm quen lại với nhịp sống bình lặng ở quê hương, vì đã quen với sự hối hả của thành phố từ lâu.

Chị tìm được một công việc gần nhà, mặc dù mức lương thấp hơn so với thu nhập khi làm công nhân ở thành phố. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, số tiền đó đủ để trang trải cuộc sống và còn dư ra một khoản nhỏ.

Chị Hiệp chia sẻ, làm việc ở quê tuy lương thấp hơn thành phố, nhưng chị được sống gần con cái và tiết kiệm được nhiều chi phí. Mức sống ở nông thôn không cao, chị vẫn có thể xoay xở và tích góp được một ít tiền.

Trước Tết Ất Tỵ vừa qua, chị Trương Thị Lệ cũng ngậm ngùi ký vào đơn tự nguyện nghỉ việc tại một công ty ở TP. HCM. Chị Lệ bộc bạch, khi đó chị biết chắc mình không thể mua sắm áo mới cho con hay mua ít bánh mứt cho bố mẹ trong dịp Tết, vì trong túi chỉ còn lại một ít tiền, chuẩn bị cho những ngày khó khăn phía trước.

Hơn 8 năm làm công nhân tại một công ty dệt may lớn nhất thành phố và hơn 10 năm bám trụ nơi xa xứ, chị chợt nhận ra vợ chồng chị không có nổi một khoản tích cóp dù đã lao động vất vả.

Chị cười chua chát bảo, vợ chồng đến thành phố với hai bàn tay trắng và cũng trắng tay trở về quê. Chỉ còn lại ước mơ thoát nghèo, nhưng không biết khi nào nó mới thành hiện thực.

Cần chính sách giữ chân lao động

Theo số liệu thống kê, TP. HCM lần đầu tiên không còn là điểm đến hấp dẫn cho dân nhập cư khi chỉ có khoảng 65.000 người đến lập nghiệp trong năm 2023, giảm hơn một nửa so với những năm trước.

Các trung tâm công nghiệp, kinh tế mới nổi ở các tỉnh đang dần bắt kịp TP. HCM về sự phát triển, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ với thành phố trong việc thu hút nguồn nhân lực từ các khu vực miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên...

nguoi-lao-dong-1-1740373736.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng, TP. HCM cần có chính sách hỗ trợ nhà ở để níu giữ lao động (Ảnh: Nguyễn Vy/Dân Trí)

Với những lao động có ý định trở về quê lâu dài, nguyên nhân chính khiến họ quyết định quay về là vì thu nhập hiện tại không đủ trang trải chi phí sống xa nhà (38,1%), trong khi động lực mạnh mẽ nhất kéo họ về là để sống gần gia đình (47,1%) và vì cơ hội việc làm ở quê được cải thiện (15,5%).

Trong số 200 lao động trở về quê, 92,5% cho biết họ không có ý định di cư hay làm việc xa quê nữa, đặc biệt là nhóm lao động lớn tuổi đang tìm kiếm công việc ổn định tại quê hương.

Trước tình hình này, ông Trần Anh Kiệt - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Kanade Via Việt Nam đề xuất, TP.HCM cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp họ vượt qua khó khăn.

Cụ thể, thành phố cần giảm thuế và gia hạn nợ thuế để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Các chính sách này cần được triển khai hiệu quả và minh bạch, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Ông Kiệt cũng đề nghị cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết và cải tiến quy trình cấp phép, nhằm giảm thiểu chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tổ chức các sự kiện kết nối giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, giúp tạo ra chuỗi giá trị cho thành phố và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong khi đó, ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam chia sẻ, vấn đề nhà ở và chênh lệch mức lương tối thiểu vùng giữa thành phố và các tỉnh không lớn khiến đa số người lao động lựa chọn công việc ở quê nhà, nơi gần gia đình, bạn bè và có cuộc sống ổn định hơn. Thực tế, nếu không có những chương trình chăm lo đặc biệt hơn, người lao động từ các tỉnh sẽ cân nhắc và chọn việc làm ở quê thay vì TP. HCM.

Ông Nghiệp phân tích, người lao động từ các tỉnh vào TP. HCM làm việc thường phải thuê trọ. Khi đưa cả gia đình vào, chi phí sinh hoạt sẽ trở thành gánh nặng lớn. Nếu chỉ có vợ hoặc chồng vào làm việc, họ cũng sẽ khó bám trụ lâu dài ở thành phố. Vì vậy, nếu có chính sách nhà ở xã hội với mức giá phù hợp với thu nhập của người lao động, nhiều người sẽ cân nhắc lựa chọn TP. HCM để ổn định cuộc sống và công việc.

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch CĐCS Công ty Tân Thanh Container đề xuất TP. HCM nên triển khai chính sách hỗ trợ công nhân thuê nhà với mức giá hợp lý, hoặc tạo cơ hội để họ mua nhà với giá ưu đãi, giúp người lao động ổn định cuộc sống và yên tâm đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố.