Chuyên gia quốc tế nêu 3 yếu tố cải thiện tình trạng lao động trẻ em

avatar
Theo chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế, giáo dục là công cụ quan trọng nhất trong việc phòng chống lao động trẻ em. Kế đến là bảo trợ xã hội. Các bậc phụ huynh không muốn con cái phải lao động, nhưng do thu nhập gia đình quá thấp, họ đành phải để con đi làm để kiếm sống. Vì vậy, tăng cường hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo là một giải pháp thiết thực.

Khó kiểm soát lao động là trẻ em

Theo kết quả điều tra quốc gia lần thứ hai về lao động trẻ em, hiện nay ở Việt Nam có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 17 tham gia lao động, chiếm khoảng 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này.

Một điểm đáng chú ý là có tới phân nửa số trẻ em tham gia lao động không được đến trường, trong đó 1,4% trẻ em chưa từng đến trường. Hơn 50% trẻ em lao động làm việc trong các điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.

lao-dong-tre-em-2-1735347863.jpg
Lao động trẻ em là bé trai phổ biến hơn bé gái 

Lao động trẻ em ở Việt Nam, như ở nhiều quốc gia khác, tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu ở khu vực kinh tế không chính thức, điều này khiến việc phát hiện và kiểm soát trở nên khó khăn. Lao động trẻ em là các bé trai phổ biến hơn bé gái ở mọi lứa tuổi. 

Tình trạng lao động trẻ em còn phức tạp hơn sau đại dịch Covid-19. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có gần 5.000 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và thiên tai. Những tác động này đang đe dọa đến sự an toàn, sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như tình trạng dinh dưỡng của trẻ em.

Đại dịch Covid-19 và các thiên tai đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, tạo ra áp lực lớn đối với cuộc sống của trẻ em. Nhiều em phải đối mặt với nguy cơ trở thành lao động để kiếm sống. Tình trạng trẻ em bỏ học gia tăng, đặc biệt là ở các em nhỏ thuộc gia đình nghèo, khu vực sâu, xa và vùng dân tộc thiểu số.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, dù tỷ lệ trẻ em tham gia hoạt động kinh tế được đến trường đã tăng đáng kể từ 43,6% lên 63% trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn 19.500 em (tương đương 1,1%) chưa từng được đi học. So với tỷ lệ đi học bình quân toàn quốc là 94,4%, chỉ có 50% lao động trẻ em được đi học. Tỷ lệ này thấp hơn 38,6% với nhóm trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Giảm lao động trẻ em một cách bền vững và hiệu quả

 Nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, đại diện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra các yếu tố quan trọng mà không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng cần phải thực hiện.

Thứ nhất là giáo dục và tiếp cận giáo dục. Theo chuyên gia ILO, giáo dục là công cụ quan trọng nhất trong việc phòng chống lao động trẻ em. Nếu phụ huynh có quyền lựa chọn cho con cái đi học và có khả năng tài chính để làm điều đó, họ sẽ chọn con đường giáo dục. Vì vậy, giáo dục không chỉ quan trọng mà còn mang tính quyết định đối với tương lai của trẻ em.

lao-dong-tre-em-1-1735347863.jpg
Giáo dục là công cụ quan trọng nhất trong việc phòng chống lao động trẻ em

Thứ hai là bảo trợ xã hội. Các bậc phụ huynh không muốn con cái phải lao động, nhưng do thu nhập gia đình quá thấp, họ đành phải để con đi làm để kiếm sống. Vì vậy, tăng cường hỗ trợ thu nhập cho các gia đình nghèo là một giải pháp thiết thực để giúp họ tránh khỏi tình trạng phải cho con em mình tham gia lao động sớm.

Ngoài ra, chuyên gia ILO còn nhấn mạnh đòn bẩy thứ ba là việc đảm bảo các bậc phụ huynh có công việc và thu nhập ổn định. Có công việc ổn định sẽ giúp gia đình thoát nghèo, đồng thời trẻ em sẽ không phải làm việc để hỗ trợ gia đình.

Các chính sách an sinh xã hội giúp các gia đình đối phó với các cú sốc về kinh tế và y tế đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lao động trẻ em và tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường. Vì vậy, các Chính phủ cần xây dựng một hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Hiện nay, tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và thấp hơn 4,2% so với tỷ lệ toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để giảm lao động trẻ em một cách bền vững và hiệu quả.

Trước những thách thức này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành, và địa phương tiếp tục hoàn thiện các chính sách nhằm phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề và an sinh xã hội.

Ngoài ra, ngành cũng đang tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, đồng thời lồng ghép việc giải quyết tình trạng lao động trẻ em trái quy định vào hệ thống bảo vệ trẻ em, gắn liền với các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội.

Bộ quản lý nhà nước cũng đang củng cố hệ thống các cơ quan bảo vệ trẻ em, nhằm phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em, theo hướng mở rộng phạm vi bảo vệ và tập trung vào quyền lợi của trẻ em.

Với mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và dưới 4,5% vào năm 2030.