Nửa đêm đội mưa gió đi mua nhà: Nhu cầu thực hay chỉ là chiêu trò?

Mặc dù giá nhà tại Hà Nội tăng phi mã trong thời gian qua nhưng nhiều khách hàng vẫn xuống tiền vì sợ không chốt nhanh giá còn tăng tiếp và lúc đó không thể mua nổi. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng “không nên chạy theo giá nhà”.

Khách đội mưa đi mua nhà vào nửa đêm

Từ đầu năm 2024 đến nay, bất động sản Hà Nội liên tục sốt ở tất cả các phân khúc như chung cư, nhà đất, biệt thự liền kề. Sức nóng lan rộng ra cả các thị trường quận, huyện vùng ven đô khi nguồn cùng khan hiếm. 

Đặc biệt, những ngày vừa qua, một số vụ đấu giá đất vùng ven Hà Nội nhận được sự quan tâm rất lớn bởi giá trúng đấu giá cao ngất ngưởng. Điều này càng khiến chung cư, nhà đất trong khu vực nội thành thêm “nóng” hơnp. 

Theo anh Hoàng Hải - một môi giới nhà đất lâu năm cho biết, mặc dù hiện tại đang ở trong tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) nhưng lượng khách tìm xem nhà khá đông, nếu tìm được căn nào ưng ý thì đặt cọc ngay. Anh Hải lý giải, hiện nay người mua nhà không còn tâm lý kiêng kỵ xem nhà, mua bán nhà vào tháng 7 âm nữa. 

Nhà trong ngõ khu vực nội thành đang được nhiều khách tìm kiếm.

Anh Hải cũng cho biết thêm, trên thị trường không có nhiều căn được chào bán nên khi có thông tin thì số lượng người đi xem rất đông. Vào buổi tối lượng khách đến xem ồ ạt, thậm chí đến tận 10, 11 giờ đêm vẫn có khách từ xa hẹn đến xem nhà. 

Chị Lan - môi giới nhà đất khu vực Hà Đông cũng xác nhận tình trạng lượng khách xem nhà vào buổi tối tăng lên. “Thậm chí, những ngày vừa qua Hà Nội hay có mưa giông vào chiều tối nhưng khách hàng bất chấp đội mưa đi xem. Có một căn nhà trong ngõ rao bán 6 tỉ đồng, khách ngồi đến tận nửa đêm để chốt giá cuối với chủ nhà. Giao dịch sau đó đã được thực hiện, hai bên ký giấy tờ ngay trong đêm” - chị Lan cho hay. 

Nhiều môi giới bất động sản khác cũng cho hay, hiện nay nhu cầu và khả năng xuống tiền của người mua rất tốt. Nếu ưng họ sẽ đặt cọc luôn không sợ người khác mua mất. Nhất là những nhà đất trong ngõ với giá khoảng 5 tỉ đồng có thanh khoản tốt với khách hàng có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư hướng tới suất đầu tư “vừa miếng”. 

Giá nhà quá cao, đu mãi không nổi

Theo các môi giới, những khách hàng quyết định xuống tiền nhanh chóng ở giai đoạn này phần lớn là có tâm lý sợ người khác mua mất. Có lẽ vì họ đã từng mua hụt một căn nhà giá tốt, sau này khi giá nhà Hà Nội tăng nóng thì họ lại không thể mua nổi. 

Như câu chuyện của vợ chồng chị Kiều Oanh ở Thanh Xuân, căn chung cư hồi đầu năm nhà chị dự tính mua có giá 3 tỉ đồng nay lên đến 4 tỉ đồng. Giờ không đủ tiền, chị tính chuyển sang mua nhà đất xa trung tâm. Tuy nhiên, suốt cả tháng nay chị cũng chưa tìm được căn nào phù hợp. 

Giá nhà tăng phi mã khiến những người có nhu cầu mua ở thực nhưng mãi không mua nổi tỏ ra bức xúc. Thậm chí, trên mạng xã hội còn xuất hiện các hội nhóm kêu gọi cẩn trọng mua nhà Hà Nội. Trong đó, hoạt động sôi nổi nhất là “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” hiện có hơn 70 nghìn thành viên, mỗi ngày có hàng chục bài đăng chia sẻ tình huống của người mua nhà. "Chúng tôi không cần mua rẻ, chỉ muốn mua đúng giá trị thật", Hoàng Minh Anh, quản trị viên của nhóm nói.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, giá chung cư, nhà đất Hà Nội đang bị thổi cao hơn giá trị thật. Điều này khiến nhiều người phải hạ tiêu chuẩn hoặc không muốn mua nữa. 

Giá nhà Hà Nội tăng liên tục trong nửa đầu năm 2024.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản MSH Group cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến giá nhà Hà Nội tăng, tuy nhiên chủ yếu vẫn là nhu cầu mua nhà lớn trong khi nguồn cung có hạn. Có thể thấy, nửa đầu năm nay ghi nhận lượng mở bán tập trung hầu hết ở nhóm căn hộ trung và cao cấp, nằm ngoài khả năng tài chính của số đông người mua nhà.

Còn theo ông Lê Xuân Nga - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản BHS lý do khiến giá nhà tại Hà Nội tăng vọt là do dòng tiền đang tập trung quá lớn vào khu vực nội đô, chưa đổ ra vùng ngoại thành. 

Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng, phần lớn người mua nhà trong thời gian gần đây là những người đã sở hữu căn nhà thứ hai hoặc thứ ba. Bởi lẽ giá nhà đã trở nên quá cao so với thu nhập của nhiều người, nhất là giới trẻ.

"Người trẻ bây giờ kiếm tiền chủ yếu để du lịch, mua hàng hiệu và thuê nhà, chứ không mấy ai nghĩ đến việc mua nhà vì quá căng thẳng", ông Nga nhận xét.

Ông Nga dự đoán, cuộc chơi tại Hà Nội sẽ khốc liệt trong thời gian tới, chỉ dành cho những nhà đầu tư lớn với ngân sách từ 15 tỉ đồng trở lên. Các nhà đầu tư nhỏ hơn sẽ tìm cách dịch chuyển dòng tiền ra khỏi trung tâm, có thể vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.