Pháp luật không phân biệt khoản nợ thuế to hay nhỏ, cứ quá 90 ngày là bị cưỡng chế

Đó là khẳng định của ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trước những thắc mắc nợ thuế vài triệu cũng bị tạm hoãn xuất cảnh có nên không?

Trong thời gian qua, câu chuyện nhiều doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Bên cạnh nhiều người nhận định việc các doanh nghiệp cố tình chây ì, không nộp thuế thì cần thiết phải áp dụng những biện pháp mạnh, nhưng cũng không ít ý kiến bày tỏ sự bức xúc khi chỉ nợ thuế vài triệu đồng cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Nợ thuế trên 90 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn gửi đến các địa phương và cơ quan thuế tỉnh, thành phố, yêu cầu áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Theo nội dung công văn, các biện pháp cưỡng chế và tạm hoãn xuất cảnh sẽ được áp dụng đối với những người nộp thuế có khoản nợ thuế trên 90 ngày hoặc thuộc diện bị cưỡng chế thu hồi nợ.

Cơ quan thuế phải thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin người nợ thuế theo quy định, đặc biệt là những doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Thông tin về quyết định này có thể được tra cứu trên website của ngành thuế và các ứng dụng etax, etaxmobile. Cơ quan thuế sẽ thường xuyên rà soát để gia hạn hoặc hủy bỏ quyết định hoãn xuất cảnh khi cần thiết.

Cũng theo công văn của Tổng cục Thuế, đối với khoản tiền nợ thuế dưới 90 ngày, các bộ phận thanh tra, kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm soát dữ liệu và đôn đốc người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, hạn chế các khoản nợ dây dưa, kéo dài.

Ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Trường hợp người nộp thuế có khoản nợ quá 60 ngày, công chức thuế phải thường xuyên liên hệ với người nộp thuế để nhắc nhở và thông báo sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế khi có khoản nợ quá hạn 90 ngày. Đối với các khoản nợ quá 30 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành thông báo đến người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản eTax.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh ngày càng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, hơn 6.500 trường hợp đã bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ các biện pháp này, nhà chức trách đã thu được 1.341 tỷ đồng từ 2.116 người nộp thuế bị hoãn xuất cảnh.

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế và hải quan có quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Đây là một trong những biện pháp cưỡng chế nợ mà ngành thuế sử dụng đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn.

Trong thời gian qua, nhiều giám đốc và người đại diện doanh nghiệp, trong đó có cả những đơn vị “có tiếng” liên tục nhận được thông báo từ cơ quan chức năng về việc tạm hoãn xuất cảnh. Sau những sự việc này, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại ảnh hưởng đến uy tín của họ. Hơn nữa, thông tin này mang tính "nhạy cảm" trong các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp và tác động đến khả năng hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Không phân biệt giá trị khoản nợ

Trước những băn khoăn của dư luận, tại buổi họp báo gần đây, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, luật pháp không phân biệt khoản nợ thuế lớn hay nhỏ. Bất kỳ người nộp thuế nào có khoản nợ quá 90 ngày sẽ bị cưỡng chế, không phân biệt giá trị của khoản nợ.

"Nhà nước yêu cầu cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thu ngân sách, và tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp này," ông Minh cho biết.

Giải thích thêm về biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, ông Minh cho biết, để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, người nộp thuế (bao gồm cá nhân và doanh nghiệp) phải thuộc diện bị cưỡng chế thuế. Trong trường hợp doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi nghĩa vụ này được hoàn thành.

Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp cưỡng chế thuế

Về các ý kiến cho rằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh có vẻ quá "nặng tay" đối với lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là những giám đốc chỉ làm thuê, ông Minh cho biết điều này đã được cân nhắc trong quá trình xây dựng Luật Quản lý thuế.

"Luật đã quy định rõ ràng, bất kỳ cá nhân nào đại diện và điều hành pháp nhân thì khi pháp nhân nợ thuế, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm bị tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi pháp nhân hoàn thành nghĩa vụ thuế”, ông Minh khẳng định.

Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp thu nợ thuế, và thực tế không phải là biện pháp mạnh nhất. Theo ông Minh, biện pháp dừng sử dụng hóa đơn mới là công cụ hiệu quả hơn nhiều, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn. Khi bị dừng sử dụng hóa đơn, nhiều doanh nghiệp sẽ ngay lập tức bị tác động mạnh, và đây là công cụ quan trọng của nhà nước để bảo vệ lợi ích ngân sách.

Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, thuế là nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Việc cấm xuất cảnh đối với người nợ thuế là biện pháp mạnh nhằm tăng cường thu hồi nợ thuế và đã được quy định rõ ràng trong luật pháp, do đó không thể có trường hợp ngoại lệ hoặc đặc cách, và cũng khó có thể thay đổi ngay.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, trước khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, thường sẽ có thông báo trước thông qua các phương tiện như ứng dụng eTax Mobile, tin nhắn, email... chứ không phải chỉ đơn thuần nợ thuế là bị cấm xuất cảnh mà không có cảnh báo.