Câu chuyện ông Lương Hoài Nam – Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) bị Cục Thuế tỉnh Bình Định đã gửi thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Nguyên nhân đến từ việc, Bamboo Airways đang bị cưỡng chế thi hành nghĩa vụ nộp thuế vì nợ quá hạn 90 ngày với số tiền 102,5 tỷ đồng.
Điểm tên loạt “ông lớn” bị tạm hoãn xuất cảnh
Trước Bamboo Airways, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, điển hình như Trung Nam Group, và Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ.
Cụ thể, vào tháng 5/2024, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Trung Nam Group, bị tạm hoãn xuất cảnh vì công ty nợ hơn 21 tỷ đồng thuế. Tới ngày 1/6, lệnh này được hủy bỏ khi công ty giải quyết nghĩa vụ thuế.
Tương tự, Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ cũng bị cưỡng chế thuế với số nợ 6,2 tỷ đồng, dẫn đến việc tạm hoãn xuất cảnh của Chủ tịch Trương Anh Tuấn, sau đó lệnh cấm được hủy bỏ khi công ty hoàn thành nghĩa vụ.
Ngoài ra, vào ngày 10/9 vừa qua, Cục Thuế Quảng Ninh thông báo tạm hoãn xuất cảnh với hai lãnh đạo doanh nghiệp là bà Nguyễn Thu Huyền - Giám đốc Greenland và ông Đinh Đức Thành - Giám đốc Logistic Expert, do cả hai công ty đều chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 2.766 cá nhân và đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh. Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn tăng mạnh so với cùng kỳ và đã tăng thêm 11.099 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Đặc biệt, nợ khó thu tăng hơn 35% so với cùng kỳ, tương ứng 17.220 tỷ đồng. Số nợ đang xử lý là 13.440 tỷ đồng, tăng 11,37%, trong khi nợ chờ điều chỉnh là 950 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, danh sách người bị tạm hoãn xuất cảnh ngày càng dài, trải rộng khắp các địa phương và không chỉ giới hạn ở những doanh nghiệp có khoản nợ thuế lớn. Ví dụ, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ghi nhận 22 cá nhân là chủ hộ kinh doanh trong danh sách bị tạm hoãn xuất cảnh.
Lý giải nguyên nhân khiến tình hình nợ thuế tăng cao, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, do nhiều khoản nợ đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế chưa kịp nộp vào ngân sách. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xử lý tiền thuê đất và tiền sử dụng đất cũng chưa được tháo gỡ, đồng thời nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề tài chính và khó khăn trong vay tín dụng ngân hàng, dẫn đến số nợ thuế tăng cao.
Cần đảm bảo tính công bằng
Việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp cưỡng chế nợ thuế được áp dụng nhằm ngăn chặn các trường hợp có dấu hiệu tẩu tán tài sản hoặc bỏ trốn. Hiện nay, không có ngưỡng nợ cụ thể để áp dụng biện pháp này, tức là nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng có thể bị thu cưỡng chế thu hồi.
Nêu quan điểm về vấn đề này , ông Phan Phương Nam – Phó khoa Luật Thương mại, trường Đại học Luật TP. HCM cho biết, việc cấm xuất cảnh đối với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là hoàn toàn đúng đắn nhằm nhắc nhở ý thức chấp hành quy định của người đứng đầu, đồng thời cũng là biện pháp răn đe với những đối tượng chây ỳ nộp thuế dù đã được nhắc nhở, đốc thúc nhiều lần.
Tuy nhiên, cũng cho rằng cần có cách tiếp cận hợp lý hơn, sự công bằng trong việc cấm xuất cảnh cần được đảm bảo. Bởi lẽ có những doanh nghiệp nợ vài trăm nghìn cũng bị cấm xuất cảnh, trong khi có doanh nghiệp nợ cả tỷ đồng lại không bị xử lý khi có chi cục làm, có chi cục không hoặc cùng chi cục thuế nhưng người làm người không.
Do vậy, cần rà soát để áp dụng các biện pháp một cách nhất quán, việc "bêu" tên đại diện doanh nghiệp nợ thuế nên thực hiện khi doanh nghiệp nhận được nhiều nhắc nhở của cơ quan thuế mới áp dụng. Đặc biệt, lưu ý với các doanh nghiệp khó khăn, chủ động đề xuất, làm thủ tục với các cơ quan thuế.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú cho biết, quy định về tạm hoãn xuất cảnh cần được áp dụng hợp lý, tránh tràn lan, và phải cân nhắc tác động xã hội, vì doanh nghiệp không chỉ tạo giá trị kinh tế mà còn cung cấp việc làm cho nhiều người, nếu bị ảnh hưởng hình ảnh sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại.
Việc tạm hoãn xuất cảnh nên tập trung vào những doanh nghiệp "ma" hoặc doanh nghiệp cố tình vi phạm, không có khả năng thanh toán thuế. Cơ quan thuế nên có biện pháp thông báo và đôn đốc để tránh trường hợp doanh nghiệp không nhận thức được việc bị cấm xuất cảnh. Đồng thời đề xuất cần có ngưỡng cụ thể về nợ thuế để áp dụng biện pháp này.
Chẳng hạn như năm 2015, Bộ Tài chính đã đề xuất mức nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là 1 tỷ đồng đối với tổ chức kinh doanh và 50 triệu đồng đối với cá nhân, nhưng quy định này chưa được áp dụng chính thức.