Học phí cao nhất 77,75 triệu đồng/năm
Học phí các trường đại học áp dụng cho sinh viên khóa tuyển sinh năm 2025 sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, mức học phí này được quy định theo Nghị định 97/2023 của Chính phủ. Theo Nghị định, mức học phí trần áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (chưa tự chủ) trong năm học 2025 - 2026 sẽ có 7 mức khác nhau.
Cụ thể, khối ngành nghệ thuật có mức học phí thấp nhất là 15,2 triệu đồng/năm (tăng 1,7 triệu đồng so với năm học 2024 - 2025). Tiếp theo, 2 khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; kinh doanh và quản lý, pháp luật có học phí đồng mức 15,9 triệu đồng/năm (tăng 1,8 triệu đồng so với năm học trước).
Khối ngành có mức học phí thấp thứ ba là 16,9 triệu đồng/năm, áp dụng cho các ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường (tăng 1,9 triệu đồng so với năm học trước).
Hai khối ngành khác có học phí dưới 20 triệu đồng/năm gồm khoa học sự sống, khoa học tự nhiên (17,1 triệu đồng/năm, tăng 1,9 triệu đồng so với năm học 2024-2025) và các ngành toán, thống kê máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y (18,5 triệu đồng/năm, tăng 2,1 triệu đồng so với năm học trước).
Đặc biệt, với khối ngành sức khỏe, Chính phủ quy định mức thu học phí khác nhau. Các ngành y dược có mức học phí tối đa là 31,1 triệu đồng/năm (tăng 3,5 triệu đồng so với năm học trước). Trong khi, các ngành sức khỏe khác có học phí tối đa là 23,6 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng).
Theo quy định của Nhà nước, năm học 2025 - 2026, các trường đại học công lập chưa tự chủ được phép thu học phí tối đa từ 15,2 triệu đến 31,1 triệu đồng/năm (trong 10 tháng). Mức thu này tăng từ 1,7 đến 3,5 triệu đồng so với năm học 2024-2025, tùy thuộc vào khối ngành.
Đối với các trường đại học công lập đã tự đảm bảo chi thường xuyên, học phí sẽ dao động từ 30,4 - 62,2 triệu đồng/năm (tăng từ 3,4 - 7 triệu đồng so với năm học trước). Các trường đại học công lập tự đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư có mức thu học phí từ 38 - 77,75 triệu đồng/năm, tùy theo khối ngành (tăng từ 4,25 triệu đến 8,75 triệu đồng).
Ngoài các chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng, những trường tự xác định mức thu học phí căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật thì năm học tới sẽ dao động từ 15,2 triệu đồng (mức thấp nhất) đến 77,75 triệu đồng (mức cao nhất), tùy thuộc vào loại hình trường và ngành đào tạo.
Phụ huynh lo lắng
Năm tới đây, con thứ hai của anh Nguyễn Văn Cảnh (Đống Đa, Hà Nội) sẽ vào đại học. Anh Cảnh chia sẻ, anh làm lao động tự do nên thu nhập bấp bênh không ổn định. Với tình hình học phí tăng như hiện nay, việc cùng lúc nuôi 2 con học đại học sẽ vượt quá khả năng tài chính của gia đình.
Anh Cảnh bộc bạch, vợ chồng anh hy vọng các trường đại học có nhiều chương trình hỗ trợ tài chính, đồng thời cung cấp chất lượng giáo dục toàn diện và khác biệt xứng đáng với mức học phí. Bên cạnh đó, cải thiện cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập tốt, giúp sinh viên có những trải nghiệm và nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu công việc sau này.
Chị Nguyễn Hoài Thu (quận 5, TP. HCM) có con gái đang học lớp 12. Lo lắng cho việc làm của con sau này, chị đã tham gia một chương trình tư vấn tuyển sinh nhưng vẫn chưa thể quyết định ngành học cho con. Chị Thu cho hay, bên cạnh chọn ngành học, gia đình còn trăn trở cả về vấn đề học phí đại học khi mức đóng sẽ tăng cao trong năm tới. Điều này khiến việc lo cho con ăn học trong 4 năm sắp tới trở nên khó khăn.
Chị Thu bảo, rất nhiều cử nhân ra trường nhưng lại phải làm công việc không liên quan đến ngành học như chạy xe ôm công nghệ hay làm lao động chân tay ở các công ty. Vì vậy, chị đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao trong tương lai.
Cùng chung lo lắng, chị Nguyễn Thị Kim Trang (40 tuổi, tỉnh Bình Thuận) có 2 con học lớp 11 và lớp 12, cho biết gia đình chị đang đứng trước gánh nặng tài chính khi học phí ngày càng tăng. Cả hai con chỉ cách nhau một tuổi, đứa lớn vào đại học thì năm sau đến đứa tiếp theo. Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, trong khi học phí tăng khiến gia đình gặp khó khăn.
Để giảm bớt áp lực tài chính, gia đình chị Trang đang tìm kiếm các trường đại học có học phí hợp lý, đồng thời đảm bảo con sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh học đại học có nhiều lựa chọn và học phí trở thành khoản đầu tư lớn cho tương lai, các gia đình cần chuẩn bị tài chính sớm, tìm hiểu kỹ lưỡng các chương trình đào tạo, lộ trình học tập và phương pháp giáo dục trải nghiệm (công nghệ, quốc tế, thành công…).
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên chú ý đến sự kết nối với doanh nghiệp, cơ hội việc làm tương lai và tìm hiểu các học bổng hoặc chương trình hỗ trợ học phí để giảm bớt gánh nặng tài chính.