Sinh viên “chen” nhau đăng ký vào ký túc xá vì thuê trọ bên ngoài quá đắt

Thuê nhà trọ khó khăn, cộng với mức giá tăng cao khiến nhiều tân sinh viên chọn ở ký túc xá. Tuy nhiên, chỗ ở tại ký túc giá của các trường đại học có hạn. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên chen lấn nhau đăng ký như chuyện xảy ra mới đây tại ký túc xá Đại học Bách Khoa.

“Hỗn loạn” đăng ký vào ở ký túc xá

Ngày 28/8, ký túc xá của Đại học Bách khoa Hà Nội nhận đăng ký vào ở. Tuy nhiên, do có quá đông sinh viên cùng phụ huynh đến đăng ký đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn, chen lấn vì ai cũng muốn ùa lên quầy xếp phiếu đăng ký.

Một phụ huynh kể lại, 7h30 nhà trường mới làm việc, nhưng từ 5h sáng đã có hàng trăm phụ huynh và sinh viên xếp hàng tại cổng ký túc xá để chờ đăng ký chỗ ở. Đến 6h, lượng người ùn ùn dồn về quá đông nên đến hơn 7h đã xảy ra tình trạng hỗn loạn vì chen lấn lên quầy xếp phiếu đăng ký.

Tình trạng hỗn loạn tại ký túc xá Đại học Bách Khoa ngày 28/8 (Ảnh: Dân Việt)

Vị phụ huynh này chia sẻ, ai cũng nóng ruột, lo lắng không đăng ký được suất ở ký túc xá nên đến thật sớm với suy nghĩ ai đến trước sẽ được giải quyết trước. Nhưng rồi, người đến sau cũng xông lên, trong khi không hề có cán bộ nào ra hướng dẫn, thế nên là xảy ra hỗn loạn.

Thông thường, các trường sẽ có lực lượng thanh niên tình nguyện hoặc bộ phận hướng dẫn cho phụ huynh và tân sinh viên trong ngày đầu nhập học. Tuy nhiên, tại Đại học Bách khoa Hà Nội dù đông hồ sơ đăng ký nhưng lại không có ai hướng dẫn, sắp xếp. Một tân sinh viên chia sẻ, cậu không nghĩ khâu tổ chức lại thiếu khoa học, lộn xộn như vậy lại xuất hiện ở ngôi trường top đầu cả nước, thậm chí tới một cái loa phát đi thông báo giải thích cho phụ huynh, học sinh và dẹp trật tự cũng không có.

Trả lời báo chí về tình trạng này, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm nay, trường dành hơn 1.000 chỗ ở ký túc xá cho tân sinh viên. Trước đó, trường đã mở cổng đăng ký online và tiếp nhận khoảng 500 sinh viên. Số còn lại, trường nhận đăng ký trực tiếp khi sinh viên đến làm thủ tục nhập học tại trường. Nhà trường đã thông báo cụ thể về điều kiện được ở ký túc xá để sinh viên và phụ huynh được biết.

Năm nay nhu cầu ở ký túc xá cao hơn hẳn mọi năm. Thống kê sơ bộ, số sinh viên có nguyện vọng ở ký túc xá lên đến 3.000 - 4.000 em, gồm cả sinh viên nhà cách trường không quá xa.

Theo vị đại diện, ban đầu mọi người xếp hàng trật tự nhưng sau đó, số lượng người đông, dẫn đến không giữ hàng lối. Đây là điều nhà trường không mong muốn. Ngay sau đó, bộ phận tiếp nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng ở ký túc xá đã rà soát, lần lượt giải quyết và xếp chỗ cho đối tượng chính sách trước theo đúng thông báo và đúng khả năng cung ứng thực tế của nhà trường.

Sinh viên “chen” nhau đăng ký vào ký túc xá vì thuê trọ bên ngoài quá đắt (Ảnh: Thu Giang/Lao động)

Đăng ký ở ký túc xá vì giá nhà trọ quá đắt

Không riêng Đại học Bách Khoa Hà Nội, ký túc xá nhiều trường đại học khác trên địa bàn thủ đô cũng đã kín chỗ. PGS.TS Trần Ngọc Khiêm - Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, ký túc xá của nhà trường chỉ đáp ứng khoảng 1.000 chỗ ở mỗi năm, nhưng nhu cầu năm nay phải gấp 2 - 3 lần.

Nguyên nhân là bởi sinh viên thuê nhà trọ khó khăn, mức giá cũng tăng cao. Biết sinh viên khó khăn nhưng các trường cũng không thể mở rộng hay xây thêm ký túc xá vì còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc.

Ngay khi biết tin trúng tuyển đại học, Nguyễn Thị Linh (TP. Vinh, Nghệ An) đã tất tưởi tìm kiếm phòng trọ, bởi nhiều anh chị đang học đại học mà Linh biết đều khuyên cô thuê nhà sớm trước thời điểm sinh viên lên nhập học bởi giá nhà sẽ tăng cao.

Linh cho biết, cô lên Hà Nội từ sớm, ở nhờ nhà người thân để tìm phòng trọ. Tuy nhiên, gần 2 tuần tìm kiếm, cô vẫn chưa tìm được phòng ưng ý. Có những phòng khoảng 20m2 cho tất cả khu vực sinh hoạt và rất bí bách. Còn những phòng rộng hơn thì mức giá lại quá cao. Cô đã tính đến việc ở ghép với người khác, cùng chia sẻ chi phí thuê phòng. Như vậy, cô có thể mở rộng hơn phương án chọn phòng trọ.

Còn Hoàng Thị Dung (sinh viên Trường Học viện Phụ nữ Việt Nam) cho biết, cô đã tham gia vào các hội nhóm để tìm kiếm nhà trọ ở gần trường nhằm thuận tiện đi lại, học tập. Ban đầu, Dung lên kế hoạch thuê phòng dưới 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức cho thuê phòng trọ tại Hà Nội thời gian qua tăng cao, khó tìm được phòng với giá này.

Cuối cùng, Dung đành chấp nhận thuê một căn nhà trọ rộng 15m2, bí bách, không có ban công với giá 3,5 triệu đồng/tháng gần trường học. Dung chia sẻ, mức giá thuê đắt đỏ nhưng cô vẫn phải chấp nhận vì việc tìm kiếm phòng trọ ở Hà Nội với sinh viên thời điểm này rất khó khăn.

Trong khi đó, Trần Lê Thu (sinh viên một trường đại học trên địa bàn Hà Nội) cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, cô đã phải chuyển trọ 3 lần vì mức giá thuê quá cao, dao động từ 3 - 4,5 triệu đồng/tháng cho phòng trọ diện tích khoảng 15m2 - 20m2, chưa kể các chi phí điện nước, internet và nhiều dịch vụ khác.