Hàng giả trộn lẫn trong các buổi livestream
Hình thức livestream bán hàng đã trở thành một kênh bán hàng hiệu quả, thu hút sự tham gia đông đảo của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán hàng này cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan quản lý.
Đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok của Phan Thủy Tiên.
Kênh TikTok này có gần 5 triệu lượt theo dõi, với nhiều video đạt hàng triệu lượt xem. Chủ kênh thường xuyên tổ chức các buổi livestream bán hàng, thu hút lượng lớn người xem và mang lại doanh thu không nhỏ. Tuy nhiên, ngay sau khi bị phát hiện, TikToker Phan Thủy Tiên đã khóa chức năng bình luận trên trang TikTok của mình.
Trên Facebook cá nhân, Phan Thủy Tiên có khoảng 651.000 người theo dõi và tự giới thiệu là giám đốc đại diện thương hiệu Zenpali T. Nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra, chủ kênh và đại diện thương hiệu Zenpali không thể cung cấp hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng nghìn sản phẩm nước hoa này.
Cùng thời điểm đó, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cơ quan chức năng cũng phát hiện và thu giữ hàng nghìn sản phẩm như máy tính bảng, điện thoại di động các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, sau một thời gian theo dõi các sản phẩm được đăng bán trên nền tảng TikTok Shop, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Sóc Sơn đã kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Thương mại và Quản lý chuỗi cung ứng quốc tế tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn vào đầu tháng 6/2024.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện khoảng 3.000 chiếc máy tính bảng, điện thoại di động và nhiều mặt hàng khác như thiết bị điện tử, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm… Tất cả đều không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Trước đó, ngày 26/8, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra một điểm kinh doanh của TikTok Shop Hương Anh Food & Nest tại một căn hộ trên tầng 20 của tòa chung cư ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long.
Kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu tháng 8/2024, TikTok Shop này đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh trung thu sản xuất từ nước ngoài để bán qua livestream, nhưng toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ hợp pháp kèm theo.
Tập trung triệt phá các kho hàng giả bán qua livestream
Trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số vụ vi phạm và xử lý vi phạm. Các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT ngày càng trở nên phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi hơn.
Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng thông thường, nhiều sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc lá điện tử… bị làm giả với số lượng lớn, được bày bán rộng rãi trên các nền tảng TMĐT, gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã tập trung giám sát, kiểm tra các hoạt động TMĐT, phát hiện nhiều vi phạm trên toàn quốc. Các đối tượng vi phạm thường tổ chức kho hàng gần các cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream để tiếp nhận đơn hàng và chuyển hàng từ nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.
Một trong những vấn đề đáng lo ngại là hàng hóa vi phạm thường được trà trộn và vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để thực hiện giao dịch. Hàng hóa sau đó được gửi tới khách hàng thông qua các dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh, khiến cho việc phát hiện và xử lý vi phạm trở nên vô cùng khó khăn.
Trước tình trạng này, Tổng cục Quản lý thị trường vừa ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các tháng cuối năm 2024, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Thời gian thực hiện kế hoạch này kéo dài từ ngày 1/11/2024 đến hết ngày 1/3/2025.
Theo kế hoạch, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra và kiểm soát thị trường, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Các mặt hàng trọng điểm gồm thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc gia cầm, pháo nổ và pháo hoa các loại.
Đặc biệt, cũng sẽ tăng cường kiểm soát các mặt hàng kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, website và các mạng xã hội như Facebook, TikTok. Mục tiêu là kiểm tra chất lượng hàng hóa và giám sát việc tuân thủ các quy định pháp lý về tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, cũng như công bố tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tổ TMĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để triệt phá các kho hàng và điểm tụ tập của các đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng hóa vi phạm pháp luật.