Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức Hội thảo thu thập ý kiến từ các tỉnh thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cùng các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, và Luật Đấu thầu. Dự kiến, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Chậm giải phóng mặt bằng gây hệ lụy lớn
Trong thời gian vừa qua, công tác giải phóng mặt bằng đã trở thành một trong những "điểm nghẽn" chủ yếu, gây trở ngại đáng kể cho quá trình triển khai các dự án đầu tư công. Kết quả, tiến độ thi công bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi việc giải phóng mặt bằng kéo dài có thể dẫn đến biến động về giá đất, thay đổi mức đền bù... Hệ quả tất yếu là làm gia tăng chi phí, buộc phải điều chỉnh dự án, từ đó làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Thêm vào đó, sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng cũng tạo ra các khó khăn, rủi ro về mặt pháp lý, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của người dân bị tác động. Hệ quả có thể là khiếu kiện kéo dài, làm suy giảm niềm tin của xã hội và sự tuân thủ luật pháp.
Điển hình như Dự án Công viên văn hóa Tràng An, do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư, đã bị đình trệ trong suốt gần 15 năm qua do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Dự án này bắt đầu từ năm 2009 với tổng mức đầu tư lên tới 1.866 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hơn 2ha đất, bao gồm đất ở, đất vườn và ao của 64 hộ dân tại thôn Ích Duệ (xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình) vẫn chưa hoàn tất khi 35 hộ dân còn lại chưa nhận hỗ trợ để bàn giao đất.
Hay như dự án Vành đai 2,5 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội, đoạn từ Đầm Hồng đến quốc lộ 1A) đã được chấp thuận triển khai từ năm 2014 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng. Tuy nhiên, đến nay tiến độ dự án mới đạt khoảng 40%, phần còn lại không thể thi công do chưa giải phỏng được mặt bằng.
Việc không có mặt bằng sạch để thi công dẫn đến dự án hiện đã chậm nhiều năm gây lãng phí rất lớn cho xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực.
Tương tự, dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư gần 48.000 tỷ đồng với tổng chiều dài khoảng 11,3km (9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao) được phê duyệ vào năm 2010. Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ là hơn 3.753 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, dự án được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030.
Cần thiết tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Không chỉ gây tác động đến cảnh quan đô thị, đời sống người dân, Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang), trong nhiều năm qua, nhiều dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đã bị chậm tiến độ do vướng mắc ở công tác giải phóng mặt bằng. Điều này gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như đội vốn, công trình dở dang, gây mất mỹ quan và vệ sinh môi trường.
Nhiều nhà đầu tư và nhà thầu thậm chí rơi vào tình trạng khó khăn, kiệt quệ do phải chờ đợi hoặc không thể hoàn thành dự án. Một số dự án đã khởi công nhưng sau đó không thể tiếp tục vì không giải phóng được mặt bằng. Tình hình càng phức tạp hơn khi giá nguyên vật liệu, nhân công, và các quy định pháp luật liên tục thay đổi, dẫn đến tình trạng đội vốn và phát sinh nhiều vấn đề khác khi các dự án được tái khởi động.
Từ những thực trạng này, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đề xuất cho phép tách riêng công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư thành dự án độc lập trong những trường hợp thật sự cần thiết, áp dụng cho tất cả các nhóm dự án.
Đối với các dự án quan trọng quốc gia, việc tách này sẽ do Quốc hội quyết định, còn với các dự án nhóm A, B, C, quyền quyết định thuộc về cấp có thẩm quyền. Quy trình tách riêng công tác này sẽ được thực hiện ngay khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định, việc tách riêng công tác giải phóng mặt bằng là rất hợp lý, giúp hoàn thiện quá trình chuẩn bị đầu tư trước khi phân bổ vốn, từ đó tránh tình trạng chậm trễ khi triển khai.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng nhấn mạnh, tốc độ thực hiện các dự án đầu tư công phụ thuộc lớn vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, dự án sẽ bị đình trệ, vì vậy tách riêng công tác này là một cách tiếp cận đúng đắn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc tách riêng công tác giải phóng mặt bằng cũng gây ra một số thách thức cần phải giải quyết. Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, việc tách riêng phần giải phóng mặt bằng sẽ làm cho việc tính toán tổng mức đầu tư của các dự án trở nên phức tạp hơn.
Hiện nay, tổng mức đầu tư thường bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng, nên khi tách riêng phần này, các dự án sẽ phải điều chỉnh và tính toán lại chi phí một cách độc lập. Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập vẫn có hiệu quả trong việc đẩy nhanh thu hồi đất, giảm bớt các tác động tiêu cực có thể xảy ra.