Thay đổi tâm lý tích trữ thực phẩm trong ngày Tết: Xu hướng mới của người dân

Thay vì tích trữ thực phẩm như trước đây, nhiều gia đình lựa chọn cách “dùng đến đâu mua đến đó” cho dịp Tết. Điều này giúp các nhà cung cấp không phải đối mặt với áp lực lớn trong việc chuẩn bị hàng hóa Tết.

Hiện nay, xu hướng tiêu dùng của người dân đang thay đổi rõ rệt, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Đặc biệt, rất nhiều người đã không còn tâm lý tích trữ đồ ăn trong những ngày Tết vì một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn mở cửa xuyên Tết. Nhiều chợ dân sinh, tiểu thương mở hàng từ ngày mùng 2 Tết. Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, đáp ứng được nhu cầu, từ đó tác động đến xu hướng tiêu dùng ngày Tết của người dân.

Ông Nguyễn Văn Hùng (60 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây, mỗi khi Tết đến, gia đình ông luôn tích đầy một tủ lạnh đồ ăn. Nhưng sau đại dịch Covid-19, thói quen này đã thay đổi. Nguyên nhân một phần do các chợ dân sinh hoạt động ngay cả trong những ngày Tết. Còn một phần do thu nhập giảm, giá cả leo thang, ông nhận thấy việc tích trữ quá nhiều đồ ăn không còn hợp lý.

Thay vì mua sắm ồ ạt, gia đình ông Hùng chỉ mua đủ dùng. Nhờ sự thay đổi này, ông cảm thấy thoải mái hơn và ít căng thẳng hơn trong những ngày chuẩn bị Tết.

Người Việt đang dần thay đổi thói quen tích trữ đồ ăn ngày Tết

Vài năm nay, gia đình chị Trần Thị Mai (Long Biên, Hà Nội) cũng không còn tích đồ ăn dịp Tết. Chị Mai chia sẻ, các sản phẩm bánh, kẹo để được lâu thì vẫn nên mua trước, tránh được cao điểm Tết tăng giá. Còn thực phẩm tươi sống, chị chọn ăn ngày nào mua ngày ấy như bình thường vì ngày Tết các siêu thị và chợ vẫn hoạt động bình thường.

Bà Nguyễn Thị Hương Ngọc - Giám đốc Mua hàng Ngành hàng Fresh tại Bách Hóa Xanh cho biết, đơn vị đã chuẩn bị nhiều phương án cho cao điểm mua sắm cuối năm và Tết Nguyên Đán 2025. Bởi người dân không còn mua quá nhiều thực phẩm để tích trữ vào dịp Tết như trước. Thay vào đó, nhiều người có xu hướng đi du lịch. Dẫn đến, nhu cầu mua sắm của người dân cao điểm Tết cũng không gây áp lực quá lớn lên các siêu thị.

Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị BRGMart cũng cho hay, doanh nghiệp dự đoán sản lượng tiêu thụ và tăng cường dự trữ hàng hóa Tết lên gấp 2 - 3 lần so với các tháng trong năm. Hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.

Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại thị trường Tết 2025 có thể ảm đạm do người dân tiết kiệm chi tiêu. Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng từ sớm nhưng đang điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với tình hình thị trường, nhất là sau ảnh hưởng của bão số 3.

Thói quen tiêu dùng ngày Tết của người dân thay đổi giúp giảm áp lực chuẩn bị hàng cho doanh nghiệp

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phát đi công văn chỉ đạo nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa cho dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo công văn, các nhóm hàng cần chú trọng bao gồm gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị và sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia và nước giải khát cũng cần được cân đối.

Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở sẽ thực hiện kế hoạch an toàn thực phẩm đã xây dựng từ đầu năm, đồng thời xây dựng kế hoạch riêng cho dịp cuối năm và Tết. Sở cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng vào nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa.

Tương tự, Sở Công Thương TP. HCM cũng đã công bố chương trình bình ổn thị trường cho dịp Tết 2025 với sự tham gia của 69 doanh nghiệp, tăng 10 doanh nghiệp so với năm trước. Chương trình năm nay mở rộng thêm các nhóm mặt hàng thiết yếu như muối, nước uống, và các thiết bị điện tử phục vụ học tập.

Nhiều chương trình khuyến mãi như "Rộn ràng mua sắm mùa xuân" sẽ diễn ra từ nay đến cuối năm, với cam kết hàng bình ổn chiếm 21-32% thị phần trong tháng bình thường và 24-41% trong tháng Tết 2025.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã quyết định tổ chức Chương trình Khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024 từ ngày 2 - 31/12. Chương trình sẽ diễn ra trên toàn quốc, kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử nhằm thu hút sự tham gia của doanh nghiệp. Hạn mức giá trị hàng hóa, dịch vụ khuyến mãi có thể lên tới 100%.