Hà Nội: Vườn cây chết sau bão lũ, dự báo giá đào Tết 2025 tăng cao

Nhìn vườn đào tan hoang, ông Thiệu dự báo giá đào Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ rất cao. Hàng năm, đào phục vụ người chơi Tết chủ yếu đến từ Nhật Tân và một số vùng lân cận, số ít được vận chuyển từ các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, lượng đào có thế chùm như đào Nhật Tân không nhiều.

Vài năm nữa mới khôi phục được vườn

Bão số 3 đi qua, nước sông Hồng dâng cao nhấn chìm toàn bộ vườn đào của ông Nguyễn Văn Thiệu tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), gây thiệt hại nặng nề. Vốn liếng bỏ ra để trồng, chăm đào với mong muốn thu hồi vốn vào dịp Tết Nguyên đán giờ tan thành mây khói. Vườn đào không có dấu hiệu hồi sinh, gia đình ông Thiệu xác định mất trắng nguồn thu năm nay. Dù ông đang cấp tập dọn dẹp, trồng những gốc đào mới nhưng đó là để cho Tết năm sau.

Ông Thiệu cho biết, để trồng lại một cây đào từ cành giống sẽ mất từ 3 - 4 năm, trong đó 2 năm đầu chủ yếu để cây phát triển và ổn định. Trong thời gian chờ vụ mới, người dân có thể trồng hoa tươi ngắn ngày để tận dụng đất, tạo thêm thu nhập.

vuon-dao-1728866342.jpg
Các vườn đạo tại Nhật Tân, Phú Thượng bị chết sau ngập lụt (Ảnh: Nhật Minh/Lao động)

Nhìn vườn đào tan hoang, ông Thiệu dự báo giá đào Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ rất cao. Hàng năm, đào phục vụ người chơi Tết chủ yếu đến từ Nhật Tân và một số vùng lân cận, số ít được vận chuyển từ các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, lượng đào có thế chùm như đào Nhật Tân không nhiều. Vì ảnh hưởng của bão số 3, giá đào năm nay sẽ rất đắt đỏ.

Không chỉ vườn đào nhà ông Thiệu, nhiều vườn đào khác tại Nhật Tân cũng bị hư hại nặng. Chỉ những vườn ở phía ngoài đường bê tông, vị trí cao hơn mới ít bị thiệt hại.

Ông Bùi Văn Nghiệp (Nhật Tân) cặm cụi xới lại miếng đất bỏ hoang cả tháng nay sau trận lụt. Hơn 300 gốc đào huyền, đào cành trồng được 3 năm của ông đã bị lũ phá hủy hoàn toàn. 2 sào hoa cúc cũng mất trắng. Vườn cây xanh tốt ngày nào giờ chỉ còn lại mảnh đất trống, vài gốc đào chưa chặt bỏ hết trơ trọi trên nền đất khô cằn sau chuỗi ngày nắng nóng.

Nhìn mảnh đất canh tác mấy chục năm giờ trắng băng, ông Nghiệp chỉ biết thở dài. Ông chia sẻ, vì canh tác ven sông Hồng nên không thể tránh khỏi mưa lũ. Mọi năm lũ có vào, loại này bị ảnh hưởng, thì vẫn còn loại kia gỡ lại được. Nhưng năm nay, cây nào, cây nấy chết hết.

Để khắc phục thiệt hại sau lũ, ông Nghiệp cùng những nhà vườn khác tính trồng lại đào, nhưng giá gốc đào hiện tại tăng gấp đôi ba lần so với đầu năm, nguồn cung lại khan hiếm. Không đủ vốn, ông dự tính xới đất trồng lại hoa cúc. Tuy nhiên, giá hoa cúc giống năm nay cũng đắt gấp 3 lần so với năm ngoái.

Không thể bỏ đất trống, ông cố gắng mua về trồng, chỉ mong bán được để gỡ lại được đồng nào hay đồng ấy. Còn vườn đào, gia đình tạm đợi đến Tết mới mua giống, bây giờ chỉ trồng những cây ngắn ngày để sớm có thu hoạch.

vuon-dao-1-1728866343.jpg
Người dân đốt bỏ những cây đào bị chết (Ảnh: Nguyễn Ngoan/Dân trí)

Mòn mỏi đợi những mùa sau

Không chỉ tại làng đào Nhật Tân, người trồng đào ở Phú Thượng (quận Tây Hồ) cũng lao đao vì cây chết do ngập lụt. Gia đình bà Hoa đã làm nghề trồng đào ở đây hàng chục năm, từ thời cha ông. Vườn đào của bà có 600 gốc, mỗi năm thu hoạch từ 250 - 300 triệu đồng vào dịp Tết, nhưng năm nay bà mất trắng hoàn toàn.

Cả tháng qua, bà Hoa chỉ ở nhà chăm cháu và suy nghĩ về số đào chết, nhiều đêm không ngủ được. Để đất trống không phải là giải pháp khả thi, bà và chồng bàn bạc ươm lại vườn đào mới.

Họ đã lên Lạng Sơn tìm mua giống đào để ươm. Bà cho biết, mọi năm giống đào ta chỉ có giá 7.000-8.000 đồng một gốc, nhưng năm nay do lũ lụt khiến số lượng cây giảm, giá tăng lên 15.000-20.000 đồng/gốc, đa phần là cây xấu.

Bà Hoa có ba luống đất trồng đào nhưng chỉ ươm được hai luống vì giống cây hiện đang đắt. Bà cho biết, nếu mọi việc thuận lợi, sau khi xuống gốc 3 tháng, gia đình sẽ tiến hành ghép mắt đào bích vào thân cây để nuôi.

"Phải mất ít nhất một năm nữa đào mới bắt đầu ra hoa. Để có những gốc đào đẹp như trước, có thể mất từ 4-6 năm", bà chia sẻ.

Trong thời gian chờ vườn đào hồi phục, bà Hoa trồng thêm bắp cải và su hào để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, bà thừa nhận: "Loại rau này bán chẳng được bao nhiêu, chỉ trồng để kiếm chút tiền mua phân bón cho đào".

Cách vườn nhà bà Hoa khoảng 500m, ông Nguyễn Văn Hạnh cũng đang nỗ lực dọn dẹp số đào đã chết để chuẩn bị ươm vườn đào mới. Gia đình ông có 25 sào đất trồng đào, mỗi năm thu về khoảng một tỷ đồng. Tuy nhiên, trận lũ đã mang đi bao mồ hôi công sức và tiền bạc. Dù đã cố gắng cứu vớt nhưng không một gốc đào nào còn sống, ông đành ngậm ngùi nhổ bỏ, phơi khô rồi đốt làm phân bón cho ruộng.

Ông Hạnh bảo, nhà ông thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Dù chính quyền có hỗ trợ, nhưng so với thiệt hại đó vẫn chẳng thấm vào đâu. Gia đình ông động viên nhau làm lại vườn, chờ đợi mùa sau.