Thủ tướng Albani Edi Rama cho biết, lệnh cấm là một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm đảm bảo trường học an toàn hơn. Lệnh sẽ có hiệu lực vào đầu năm sau, sau cuộc họp với các nhóm phụ huynh và giáo viên trong cả nước.
“Trong một năm, chúng tôi sẽ đóng cửa hoàn toàn (ứng dụng TikTok) với tất cả mọi người. Sẽ không có TikTok ở Albania”, Thủ tướng Edi Rama nói.
Một số quốc gia châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Bỉ đã thực thi các hạn chế về việc sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em. Một trong những quy định nghiêm ngặt nhất được áp dụng là việc ÚC cấm hoàn toàn tất cả các mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi, đã có hiệu lực từ tháng 11 vừa qua.
Thủ tướng Rama cho rằng, mạng xã hội, đặc biệt là TikTok đã tác động bạo lực trong giới trẻ, cả ở trong trường học lẫn bên ngoài.
Trước đó, vụ việc một cậu bé 14 tuổi bị bạn học đâm chết vào tháng 11 đã gây rúng động dư luận Albania. Truyền thông địa phương đưa tin vụ việc xảy ra sau những cuộc cãi vã giữa hai cậu bé trên mạng xã hội. Các video về trẻ vị thành niên ủng hộ vụ giết người cũng xuất hiện trên TikTok khiến cho không chỉ các vị phụ huynh mà các nhà xã hội học của nước này đứng ngồi không yên.
“Vấn đề ngày nay không phải là ở con em chúng ta, vấn đề này là của chúng ta, là của xã hội, là TikTok và tất cả các ứng dụng mạng xã hội khác đang bắt cóc con em chúng ta làm con tin”, ông Rama nhấn mạnh.
TikTok đã yêu cầu "chính phủ Albania làm rõ ngay lập tức" về trường hợp của thiếu niên bị đâm. Người phát ngôn của công ty cho hay: “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy thủ phạm hoặc nạn nhân có tài khoản Tiktok và nhiều báo cáo thực tế đã xác nhận các video liên quan đến sự cố này đã được đăng trên một nền tảng khác chứ không phải TikTok”.
Theo các nhà nghiên cứu trong nước, trẻ em Albania là nhóm người dùng TikTok lớn nhất cả nước.
Các bậc phụ huynh Albania ngày càng lo ngại sau khi có báo cáo về việc trẻ em mang dao và các vật dụng khác đến trường để dùng trong các cuộc cãi vã hoặc các vụ bắt nạt được lan truyền qua những câu chuyện mà họ thấy trên TikTok.
Theo Rama, hoạt động của TikTok tại Trung Quốc, nơi đặt trụ sở công ty mẹ lại khác với tại nước này. TikTok tại Trung Quốc "khuyến khích cách học tập tốt hơn, cách bảo tồn thiên nhiên...v.v."
Văn phòng của Rama cho biết, Albania là một quốc gia quá nhỏ để áp đặt lên TikTok một sự thay đổi thuật toán của mình để nó không thúc đẩy "sự tái tạo địa ngục bất tận của ngôn ngữ hận thù, bạo lực, bắt nạt, v.v.", nhưng tại Trung Quốc, TikTok "ngăn trẻ em khỏi bị hút vào vực thẳm này".
Chính quyền Albania đã thiết lập một loạt các biện pháp bảo vệ tại trường học, bắt đầu bằng việc tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và hợp tác chặt chẽ hơn với phụ huynh.
Rama cho biết Albania sẽ theo dõi phản ứng của công ty và các quốc gia khác trong vòng một năm năm trước khi quyết định có cho phép TikTok tiếp tục hoạt động tại Albania hay không.