Thông tin được Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng chia sẻ tại kỳ họp lần thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa diễn ra vào sáng nay (16/7/2024), thuộc phần chất vấn về chuyển đổi số, xử lý tin giả…
Theo ông Lâm Đình Thắng, hiện nay thông tin trên mạng internet đang xuất phát chủ yếu từ 2 nguồn là các tổ chức, cá nhân trong nước được cấp phép và những trang thông tin không rõ nguồn gốc, tuy dùng tiếng Việt nhưng tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài. Với nguồn thứ 2, đây chính là nơi các thông tin sai lệch, tin giả lan truyền mang tính chất xuyên biên giới. Việc quản lý 2 nguồn tin này cũng có sự khác nhau. Với những đơn vị được quản lý, nếu có sai phạm sẽ được cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, tuy nhiên với những tin giả trên mạng xã hội xuyên biên giới thì việc xử lý khó khăn hơn vì các doanh nghiệp đứng đằng sau chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin giả, sai lệch đang chủ yếu lan truyền qua mạng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, Tiktok là những kênh đang được người dân sử dụng nhiều. Khi có vi phạm, bị yêu cầu gỡ bỏ, khắc phục sai phạm thì các doanh nghiệp thường tìm cách né tránh.
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã xử lý nhiều hành vi vi phạm đối với các tài khoản có đăng tải nội dung không đúng về cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, bao gồm xử lý một tài khoản đăng thông tin không đúng về Thành phố. Năm 2023, Sở cũng đã chuyển 24 hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hình sự trong lĩnh vực. Năm 2024 con số tính đến thời điểm hiện tại là 18 hồ sơ.
Sở Thông tin và truyền thông đang tích cực kiến nghị Bộ TT&TT xử lý các tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới vi phạm. Hiện, đã có tới 30 tài khoản vi phạm trên không gian mạng được chuyển xử lý trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo ông Lâm Đình Thắng, quy định về quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa đảm bảo tính pháp lý, vì vậy cần thiết phải có sự thay đổi. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang đề xuất theo hướng tài khoản trên mạng xã hội phải được định danh, sau đó mới được bình luận. Các tài khoản xuyên biên giới cũng phải chấp hành theo quy định của pháp luật Việt Nam.
“Định danh tài khoản mạng xã hội là quá trình xác minh danh tính của người dùng trên nền tảng số. Chủ sở hữu tài khoản sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân bao gồm tên thật, số điện thoại, địa chỉ email hoặc giấy tờ tùy thân nhằm chứng minh danh tính của mình”, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cho biết.
Trước đó, trong Dự thảo thay thế Nghị định số 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định 27 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất tài khoản cần xác thực với tên thật, số điện thoại mới được viết bài, bình luận và livestream trên mạng xã hội. Mạng xã hội trong và ngoài nước đều phải cung cấp thông tin định danh cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu. Việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội sẽ thông qua số điện thoại di động tại Việt Nam. Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.
Việc định danh tài khoản mạng xã hội cũng đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Nhiều người lo ngại về việc đăng ký tài khoản, người sử dụng phải cung cấp những thông tin liên quan như: Số điện thoại, họ tên khai sinh, hình ảnh căn cước công dân…, nếu thực hiện công tác không tốt sẽ bị rò rỉ, lộ, lọt dữ liệu cá nhân, gây mất an toàn riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, việc định danh tài khoản mạng xã hội sẽ giúp người dân có trách nhiệm hơn với mỗi phát ngôn trên không gian mạng của mình, giúp cơ quan chức năng đấu tranh với các nguy cơ sử dụng mạng xã hội cho các mục đích xấu, mục đích tiêu cực, đồng thời đẩy lùi nạn "nick ảo nhưng tác hại lại thật"
Các quốc gia trên thế giới nỗ lực trong việc triển khai định danh tài khoản mạng xã hội
Vào đầu tháng 4/2023, Hạ viện của cơ quan lập pháp tiểu bang Arkansas (Mỹ) đã thông qua dự luật cấp tiểu bang yêu cầu người dùng mạng xã hội chứng minh bản thân phải đủ 18 tuổi trở lên, dự luật này nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi tác hại của mạng xã hội.
Trước đó, tháng 4/2021, Chính phủ Úc đã cân nhắc việc yêu cầu người dân cung cấp 100 điểm nhận dạng để đăng ký tài khoản trên mạng xã hội. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ ngăn người dùng sử dụng tài khoản ẩn danh để lạm dụng và quấy rối người khác.
Cuối năm 2021, trang web của Thượng viện Pháp đã công bố một dự luật mới đề xuất thành lập một cơ quan giám sát độc lập, chịu trách nhiệm thu thập danh tính người dùng khi họ đăng ký với các nền tảng trực tuyến. Dự luật được kỳ vọng sẽ ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng gia tăng và giúp việc truy tố những kẻ phạm tội trở nên dễ dàng hơn.