TP. HCM đề xuất giảm hạn mức đất ở: Cần có các số liệu rõ ràng để thuyết phục người dân

Việc giảm hạn mức đất ở tại một số quận, huyện ở TP.HCM có thể khiến những hộ dân cần chuyển đổi đất hoặc trong diện đền bù giải tỏa chịu thiệt. Do đó, cần có cơ sở dữ liệu cụ thể để đưa ra được mức điều chỉnh chính xác và thuyết phục người dân.

Phù hợp với tốc độ đô thị hóa

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa đề xuất giảm hạn mức đất ở không phải đóng thuế tại TP Thủ Đức, quận 7, 12, Bình Tân xuống còn tối đa 160m2 do có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tượng quận trung tâm. Mặt khác, nhu cầu sử dụng đất ở để xây nhà tại thành phố rất lớn, song quỹ đất không còn nhiều.

Các khu dân cư nông thôn thuộc huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cũng được đề xuất giảm từ 300m2 xuống không quá 250m2. Khu quy hoạch phát triển đô thị từ 250 m2 xuống còn 200 m2.

Theo đó, với phần đất ngoài định mức, nếu người dân muốn chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ phải đóng thêm khoản thuế, phí theo quy định. Toàn bộ điều chỉnh áp dụng với các hộ, cá nhân sử dụng đất trước 15/10/1993 trên địa bàn thành phố.

Việc áp dụng tiêu chuẩn “ngoại thành” hay “vùng ven” với khu vực TP Thủ Đức đã không còn phù hợp

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, sau khi lấy ý kiến đã nhận được đa số thống nhất với hạn mức quy định trong dự thảo. Sở đang tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoàn thiện dự thảo và gửi Sở Tư pháp thẩm định theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự kiến trình UBND TPHCM thông qua trong tháng 8.

Nói về sự thay đổi này, ông Võ Hồng Thắng – Giám đốc đầu tư DKRA Group cho biết, các quận, huyện ngoại thành những năm gần đây có tốc độ đô thị hóa khá nhanh do quy hoạch gần như phủ kín địa bàn. Trong khi nhóm sở hữu đất trước 1993 không còn nhiều nên nếu đề xuất được thông qua sẽ không tạo tác động lớn đến dân sinh, Nhà nước tăng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn “ngoại thành” hay “vùng ven” với khu vực TP Thủ Đức, quận 7, 12 đã không còn phù hợp bởi những năm gần đây, tốc độ phát triển hạ tầng, kinh tế và dân số tại đây đã gần giống với khu vực trung tâm. Do vậy, hạ hạn mức đất ở xuống tối đa 160m2 là hợp lý.

Cần cẩn trọng để người dân không thiệt thòi

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc chi nhánh miền Nam của Property Guru Việt Nam phân tích, việc đề xuất hạn mức đất ở có lợi cho quy hoạch đô thị, đảm bảo tính công bằng hơn trong sử dụng đất đai, giúp gia tăng nguồn thu Nhà nước và giá trị sử dụng đất.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra lưu ý về việc tính tiền sử dụng đất khi các cá nhân, hộ gia đình muốn chuyển mục đích sử dụng hoặc trong công tác đền bù, hỗ trợ đất ở nếu bị thu hồi. Theo đó, việc tăng, giảm hạn mức đất ở sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng đến chi phí, quyền lợi của người dân.

Các chuyên gia vẫn đưa ra lưu ý về việc tính tiền sử dụng đất khi các cá nhân, hộ gia đình

Ông Tuấn lý giải, với quy định hiện tại, phần diện tích vượt hạn mức sẽ phải nộp thuế sử dụng đất bằng 50% tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận sử dụng đất. Nếu chiếu theo bảng giá đất mới của thành phố, mỗi hộ  giảm đi 40-50m2 phần diễn tích được miễn sẽ phải đóng thêm số tiền không hề nhỏ.

Do vậy, để đưa ra quyết định về việc tăng giảm hạn mức đất ở cần có số liệu thống kê cụ thể liên quan đến số lượng người dân được hưởng chính sách trong thời gian qua, ngân sách thu được bao nhiêu đối với số đất cả trong và ngoài hạn mức.

Khi có số liệu rõ ràng mới đưa ra được quyết định chính xác để thuyết phục người dân. Ngược lại, nếu không có căn cứ khoa học sẽ khó giải thích với những người chưa được hưởng chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất nhưng nay bị cắt giảm.

Sở dĩ, cần cân nhắc kỹ là bởi thời gian gần đây, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM công bố dự thảo bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 đã khiến tình hình làm thủ tục đất đai trên địa bàn thành phố trở nên phức tạp. Trong những ngày đầu tháng 8, nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đã bị “treo” thủ tục tính tiền sử dụng đất để chờ hướng dẫn về giá.