TP.HCM cho cán bộ, công chức vay với lãi suất 3,2%/năm: Liệu có thúc đẩy được người dân mua nhà?

Cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM có cơ hội vay tiền mua nhà với thời hạn tối đa 20 năm và lãi suất ưu đãi chỉ 3,2%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền gần như không còn trên thị trường, nhiều ý kiến vẫn đặt câu hỏi liệu chính sách này có thúc đẩy được nhu cầu mua nhà của người dân hay không.

Tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội, ông Phạm Hữu Vĩnh - Trưởng Phòng Thẩm định Quỹ Phát triển Nhà ở TP.HCM đã chia sẻ thông tin về chính sách và chương trình cho vay hỗ trợ tạo lập nhà ở dành cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố.

“Cởi nút thắt” lãi suất

Theo đó, đối tượng được vay bao gồm cán bộ, công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, quận, huyện và các đơn vị sự nghiệp được hưởng lương từ ngân sách thành phố; lực lượng vũ trang nhân dân (quân đội, công an, dân quân tự vệ); cán bộ công đoàn chuyên trách, công chức, viên chức hưởng lương từ nguồn tài chính công đoàn thuộc tổ chức Công đoàn thành phố; và cán bộ, công chức, người lao động tại Cục Thuế Thành phố.

TP.HCM cũng đã mở rộng đối tượng vay, bổ sung thêm các cán bộ, công chức, viên chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Cục Hải quan thành phố, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Cục Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố, Cục Thống kê thành phố và Sở Ngoại vụ thành phố.

Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm với mức lãi suất ưu đãi 3,2%/năm, giảm so với mức 4,7%/năm của trước đây. Tài sản thế chấp là chính căn nhà dự kiến mua.

Khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy người dân vẫn không mặn mà với việc vay mua nhà

Để được vay, người vay cần đáp ứng một số điều kiện như: có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, không đứng tên sở hữu nhà ở hoặc quyền sử dụng đất ở tại thời điểm vay, chưa từng nhận các chính sách hỗ trợ về nhà ở hoặc đất ở.

Tuy nhiên, nếu người vay đã từng được giải quyết mua nhà ở xã hội, vẫn có thể được xem xét để vay vốn. Ngoài ra, người vay cần có thời gian làm việc liên tục từ 3 năm trở lên, có khả năng tài chính để thanh toán trước tối thiểu 30% giá trị căn nhà, đồng thời chứng minh được nguồn thu nhập ổn định để trả nợ.

Đây là mức lãi suất được đánh giá là thấp kỷ lục từ trước đến nay, hỗ trợ tối đa cho các đối tượng trong diện ưu đãi. Thực tế, trong thời gian qua, lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại cũng đã được điều chỉnh giảm đáng kể, giảm khoảng 3% so với năm trước. Hiện nay, mặt bằng lãi suất ưu đãi cho vay mua nhà dao động trong khoảng 3,99 - 9,5%/năm.

Dù vậy, khảo sát từ Batdongsan.com.vn cho thấy, người dân vẫn không mặn mà với việc vay mua nhà. Cụ thể, hơn 50% người tham gia cuộc khảo sát cho biết lãi suất vay mua nhà dưới 8%/năm là hợp lý, 29% chấp nhận mức lãi suất từ 8 - 10% mỗi năm, và chỉ 10% sẵn sàng vay với lãi suất từ 10 - 13%/năm (theo lãi suất thả nổi). Tuy nhiên, phần lớn người vay hiện nay đang phải chịu mức lãi suất trung bình từ 11,5 - 13%/năm.

Lãi suất không phải mấu chốt quan trọng

Tại Diễn đàn "Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nguyên nhân chính khiến người dân ít vay mua nhà không phải do lãi suất ưu đãi ngắn hạn mà do giá nhà ở mức quá cao. Điều này đặc biệt rõ ràng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, trong khi thu nhập của người dân vẫn thấp. Nhiều người chọn cách trì hoãn, chờ đợi sản phẩm giá phải chăng hơn và hy vọng giá nhà sẽ giảm cùng với các chính sách hỗ trợ mới.

Theo ông Lực, thị trường hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm nhà ở phù hợp với túi tiền của người dân, dẫn đến sự mất cân đối cung cầu ở phân khúc này. Về nguyên nhân giá bất động sản liên tục tăng cao trong thời gian qua, ông Lực cho rằng, chủ yếu xuất phát từ sự gia tăng trong chi phí xây dựng và chi phí đất đai, một số doanh nghiệp đặt biên độ lợi nhuận quá cao và có thể có hiện tượng thao túng giá trong thị trường.

Thời hạn cho vay tối đa là 20 năm với mức lãi suất ưu đãi 3,2%/năm, giảm so với mức 4,7%/năm của trước đây

Thực tế tại TP.HCM, kể từ năm 2021 đến nay, phân khúc nhà ở dưới 3 tỷ đồng đã hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. Trong khi đó, số lượng nhà ở xã hội cũng rất hạn chế, với tổng số chỉ khoảng 12.000 căn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, lãi suất luôn là yếu tố quyết định trong việc người mua nhà có chấp nhận vay vốn hay không. Dù lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã giảm mạnh nhưng thu nhập của nhiều người vẫn chưa ổn định, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng trở lại, kéo theo nguy cơ biến động lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, việc giảm lãi suất vay mua nhà có thể giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải là giải pháp triệt để để giải quyết vấn đề sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Theo ông Đính, nguyên nhân cốt lõi vẫn là giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân, nguồn cung nhà ở xã hội thiếu hụt và các gói hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả. Để đảm bảo khả năng trả nợ vay mua nhà và duy trì chi phí sinh hoạt hàng tháng, mỗi gia đình cần có mức thu nhập tối thiểu từ 40 - 50 triệu đồng.