Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND thành phố dự thảo nghị quyết về cơ chế hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai dự án, nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở xã hội (NOXH). Nghị quyết này được đề xuất dựa trên các quy định mới của Luật Nhà ở 2023 và đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM.
Hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân sách
Tờ trình đề xuất dự thảo nghị quyết của TP.HCM đưa ra các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển NOXH. Theo đó, thành phố sẽ sử dụng ngân sách để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài phạm vi dự án, đảm bảo sự kết nối đồng bộ với hạ tầng khu vực.
Chủ đầu tư các dự án NOXH sẽ được miễn các loại phí và lệ phí liên quan, bao gồm phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và lệ phí cấp giấy phép xây dựng.
Dự thảo nghị quyết cũng đề ra các nguyên tắc và phương thức hỗ trợ nhằm đảm bảo tính minh bạch, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn tại TP.HCM. Theo Sở Xây dựng, nghị quyết không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các chủ đầu tư mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển NOXH trong chương trình và kế hoạch nhà ở cấp tỉnh đã được UBND TP phê duyệt.
Chính sách này được xem là giải pháp thiết yếu để khuyến khích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực NOXH, giảm gánh nặng tài chính và đẩy nhanh tiến độ dự án. Qua đó, nó sẽ cải thiện điều kiện sống cho người thu nhập thấp, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP trình thường trực HĐND TP thống nhất chủ trương xây dựng nghị quyết theo trình tự rút gọn, với dự kiến sẽ được xem xét tại kỳ họp chuyên đề sắp tới.
TP.HCM, nơi có nhu cầu NOXH cao nhất cả nước với số lượng lớn lao động nhập cư và người thu nhập thấp, kỳ vọng cơ chế hỗ trợ đặc thù này sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển NOXH giai đoạn 2024-2030, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cũng cho biết, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng nhằm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến hoàn thành trong tháng 11. Sau đó, sẽ cụ thể hóa quy hoạch phân khu, xác định rõ các vị trí ưu tiên cho nhà ở xã hội.
Về việc đơn giản hóa quá trình phê duyệt, TP.HCM đã thành lập tổ công tác đặc biệt, do đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, cùng đại diện các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Tổ công tác này sẽ tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến đầu tư, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và lấy ý kiến liên ngành.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đang hợp tác với Liên đoàn Lao động để đẩy mạnh việc xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các mô hình nhà cho thuê và thuê mua, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của công nhân và người lao động.
Nhiều khó khăn được nhận diện
Trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng từ 26.000 đến 35.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực tế vẫn còn xa so với kỳ vọng.
Tính từ năm 2021 đến tháng 9/2024, TP.HCM đã hoàn thành 6 dự án, bao gồm 5 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân, với tổng cộng 2.745 căn hộ. Hiện tại, thành phố đang thi công 4 dự án khác với gần 3.000 căn hộ. Tính chung, tỷ lệ hoàn thành mới chỉ đạt khoảng 20% so với chỉ tiêu đề ra.
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM nhận định, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp nhiều khó khăn chủ yếu do quy trình thực hiện quá phức tạp. Các nhà đầu tư phải hoàn tất nhiều thủ tục tại các cơ quan và đơn vị khác nhau. Riêng quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư đã kéo dài từ 1 đến 2 năm vì cần lấy ý kiến từ 10 đơn vị liên quan. Sự chồng chéo giữa các bước này khiến thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài đáng kể.
Đồng tình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết, một trong những trở ngại lớn trong phát triển nhà ở xã hội là thời gian lựa chọn nhà đầu tư kéo dài, gần bằng thời gian lập hồ sơ và triển khai xây dựng dự án. Sau khi Nghị định 115 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ phải được điều chỉnh theo quy định mới, dẫn đến sự trì hoãn đáng kể.
Ngoài ra, việc xác định vị trí xây dựng NOXH theo chương trình phát triển nhà ở hiện gặp nhiều bất cập. Các vị trí ưu tiên thường không phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hoặc người lao động. Trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất vị trí nằm ngoài danh mục quy hoạch, quá trình xử lý trở nên phức tạp và mất nhiều thời gian hơn, gây thêm khó khăn trong việc
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành cho rằng, mức lợi nhuận giới hạn 10% là quá thấp khi thời gian thực hiện thủ tục kéo dài tới 5 năm, cộng thêm 2 năm cho giai đoạn đầu tư. Tính trung bình trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm của nhà đầu tư chỉ đạt 1,3-1,5%, không đủ để tái đầu tư. Ngoài ra, ông cũng cho biết, thủ tục để thực hiện dự án nhà ở xã hội còn phức tạp hơn so với nhà ở thương mại, gây thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bàn về các giải pháp huyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển NOXH, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, hiện nay các thủ tục đầu tư NOXH đã được đơn giản hóa đáng kể. Ngoài việc tháo gỡ rào cản cho chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại cũng tham gia hỗ trợ thông qua gói tín dụng ưu đãi trị giá 120.000 tỷ đồng.
Cũng theo ông Đính, Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong phát triển NOXH, từ việc quy hoạch quỹ đất, cung cấp nguồn vốn vay ưu đãi, đến việc đơn giản hóa thủ tục cho người mua. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như những "nhà thầu" được Nhà nước thuê để triển khai và phát triển loại hình nhà ở này.