Từ khi Nghị định 100 đi vào thực tế, tỷ lệ tai nạn trên cả nước liên quan đến nồng độ còn đều được ghi nhận giảm. Từ kết quả này, Bộ Công an cho rằng, việc giữ nguyên quy định người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0 là rất cần thiết.
Tuy vậy, hiện nay tranh luận giữa 2 luồng ý kiến khi tham gia giao thông cấm tuyệt đối bia rượu và có ngưỡng giới hạn nồng độ cồn vẫn chưa ngã ngũ. Mới đây nhất, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 12/4, bà Lê Thị Vân Anh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính thuộc Bộ Tư pháp cho biết, Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Về quy định nồng độ cồn, Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng giới hạn nồng độ cồn phải căn cứ vào thực tiễn, các tính chất khoa học và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Quá trình thẩm định dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Y tế có những nghiên cứu mang tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân, đồng thời phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, cũng như sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.
Trước đó, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự thảo đưa ra 2 phương án: Thứ nhất, cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn.
Thứ hai, quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là cấm: "Điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50miligam/100 mililít máu hoặc 0,25miligam/1 lít khí thở". Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, 100% ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án cấm nồng độ cồn tuyệt đối khi tham gia giao thông bởi việc này đang từng bước hình thành văn hóa rất tốt, hạn chế tác hại của rượu, bia. Ông cũng đề nghị tiếp tục làm rõ các hạn chế cùng ưu điểm của cả 2 phương án quy định nồng độ cồn, kèm theo đó lập luận khoa học cho vấn đề này.
Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới.
Để thực hiện hiệu quả nhất việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước không chỉ tăng cường các tổ tuần tra mà còn thay đổi nhiều phương thức kiểm soát. Như tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 14/4, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh này cho biết, đơn vị đang triển khai chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn theo phương thức trao đổi địa bàn trong toàn tỉnh. Theo đó, từ tháng 4/2024, việc kiểm tra chéo nồng độ cồn giữa các địa phương được thực hiện vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Việc kiểm tra nồng độ cồn tại huyện này sẽ do cảnh sát giao thông huyện khác trên địa bàn tỉnh thực hiện. Lực lượng cảnh sát giao thông của chính địa phương đó chỉ làm nhiệm vụ lập biên bản, không can thiệp vào quá trình kiểm tra của đơn vị bạn với người vi phạm về nồng độ cồn.
Thiếu tá Hoàng Bá Tuấn - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ việc triển khai thí điểm, đơn vị sẽ tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về những cách làm hay để đổi mới phương thức tuần tra kiểm soát. Mục đích là tăng cường và đạt hiệu quả cao nhất cho công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Hoạt động kiểm tra chéo này cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng nể nang các mối quan hệ quen biết đôi khi vẫn còn diễn ra.
Thí điểm buổi đầu được thực hiện trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Công tác phối hợp triển khai kiểm tra chéo giữa Công an TP. Vũng Tàu và Công an TP. Bà Rịa diễn ra khá thuận lợi. Đã có 24 trường hợp vi phạm bị lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật.