Thiếu nhất vẫn là nhà ở “giá rẻ”
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia chia sẻ trong Diễn đàn Bất động sản mùa thu lần thứ I diễn ra mới đây rằng, đất không đến nỗi thiếu, tiền cũng không, ngân sách nhiều mà sao người dân lại thiếu nhà ở, thị trường vẫn cứ liên tục trầm lắng.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề phải tập trung xử lý. Trong đó thì vướng mắc lớn nhất chính là vấn đề quản lý. Ông Nghĩa nói rằng: “Bản thân của tôi cũng từng chứng kiến những dự án triển khai 6 năm rồi vẫn còn nằm ở đó”.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho biết, khủng hoảng của thị trường bất động sản chính là khủng hoảng phân khúc. Hiện nay thì phân khúc thiếu nhất vẫn là nhà ở giá rẻ, cần phải được bổ sung nhiều nguồn cung để cho thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay: “Mặc dù chúng ta cũng đã tập trung xử lý cho một số doanh nghiệp, tuy nhiên thị trường nhà ở giá rẻ vẫn chưa đi đâu vào đâu, chưa có tiến triển nào về mặt thủ tục, chính sách lẫn tài chính. Và thực trạng này chính là tử huyệt của thị trường, mà tôi cho rằng nên chú trọng vào việc tháo gỡ cho phân khúc này để có thể thúc đẩy thị trường bất động sản đi lên”.
Ngoài ra thì tài chính cũng là vấn đề cần phải được xử lý. TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay, cần phải có quỹ cho vay nhà ở hay là quỹ tín thác nhà ở. Nếu như hiện nay ngân hàng đang thừa tiền, chúng ta có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để cho ngân hàng mua và sau đó là thành lập quỹ để cho vay mua nhà ở giá rẻ, người mua nhà vay trực tiếp.
Song song với đó, ông Nghĩa cũng lưu ý rằng, đừng để cho những nhà phát triển bất động sản giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với các nhà phát triển bất động sản thương mại.
Và cuối cùng, theo kinh nghiệm của vị chuyên gia thì việc thành lập quỹ ở Việt Nam nói chung là thất bại, hoạt động yếu ớt và có nhiều rủi ro. Còn nếu như thành lập quỹ thì Chính phủ cần phải thành lập ở dưới dạng công ty tư nhân, không nên hành chính hóa nó rồi vướng mắc vào các vấn đề quản trị và tham nhũng.
Thị trường vẫn còn “ách tắc” về quy hoạch, pháp luật
GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, để có thẻ giải cứu thị trường bất động sản thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Theo GS. Đặng Hùng Võ, ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản là nằm ở quy hoạch và pháp luật.
Cũng theo ông Võ, quy hoạch trong cơ chế bao cấp là pháp lệnh, tuy nhiên trong cơ chế thị trường đó là định hướng.
GS. Đặng Hùng Võ cho hay, cách xây dựng pháp luật hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu, quy hoạch chưa rõ ràng. Trong khi đó, trên thế giới quy định rõ quy hoạch phát triển xã hội là quy hoạch chiến lược, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch vùng. Còn quy hoạch đô thị và nông thôn mới là quy hoạch chi tiết.
Trên thực tế thì cơ hội phát triển là rất lớn. Ông Võ dẫn chứng: “Theo như tính toán của Ngân hàng Thế giới, có 20% dân số không đủ tiền mua nhà, 60% chỉ đủ tiền mua nhà ở xã hội mà nhà ở xã hội chỉ tính ở Việt Nam hiện nay đã có giá gấp đôi so với 10 năm trước”.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, trong khi giá nhà cao, chúng ta lại chỉ dùng gói hỗ trợ tín dụng thấp từ 1,5 - 2% so với tín dụng thương mại. Và cũng chỉ có 20% người đủ tiền mua nhà ở trung cấp, cao cấp (trong đó 8% đủ tiền mua nhà ở cao cấp). Bên cạnh đó, các số liệu đưa ra hiện nay chủ yếu vẫn là số liệu từ các dự án chủ đầu tư mà chưa có số liệu từ người dân hoặc là các cơ quan quy hoạch.