Vụ thao túng cổ phiếu tại FLC: Câu chuyện đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư lại được đưa ra "mổ xẻ"

Vụ việc cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đang được đưa ra xét xử với 2 tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến câu chuyện "làm sạch" thị trường chứng khoán, minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư tiếp tục được nhắc lại.

Ngày 22/7, TAND TP Hà Nội đã  mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán (TTCK), Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc thao túng, “thổi giá” 5 mã chứng khoán AMD, HAI, GAB, FLC, ART tăng từ 70% đến 1.700% thu lợi bất chính gần 700 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng để niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.

Bài học nhãn tiền

Đây là diễn biến được nhiều nhà đầu tư chờ đợi sau 2 năm ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giam, đồng thời các cổ phiếu của “hệ sinh thái” FLC cũng bị đưa vào diện hạn chế giao dịch và hủy niêm yết. Bởi lẽ sau khi vụ việc xảy ra, không ít nhà đầu tư đã phải trả giá đắt khi “lạc vào ma trận” với nhóm cổ phiếu “họ FLC”, thậm chí có người còn “trắng tay”, gia đình rơi vào cảnh bi đát.

Dù mặt pháp lý quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo, nhưng các bị hại vẫn bày tỏ sự hoang mang khi loạt dự án của Tập đoàn trên cả nước bị thu hồi, kết quả kinh doanh phủ màu “xám xịt”, không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên…Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi “dòng tiền đã đi về đâu? Liệu họ có thể thu xếp được tiền trả cho các bị hại khi đặt niềm tin sai chỗ?”.

Thực tế, dấu hiệu thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC không phải đến khi ông Quyết bị bắt mới được phanh phui mà đã có dấu hiệu từ rất sớm. Lịch sử giao dịch của những mã này trong khoảng thời gian dài chỉ có một mẫu số chung “tăng sốc, giảm sâu”, biến động giá luôn ở biên độ lớn.

Sự kiện khởi tố, bắt giam ông Trịnh Văn Quyết được đánh giá là bước ngoặt trong sự minh bạch của TTCK

Sự việc tại Tập đoàn FLC không phải là lần đầu tiên các cơ quan chức năng mạnh tay với hành vi “thổi giá” cổ phiếu. Hồi tháng 5/2023, TAND TP Hà Nội cũng mở phiên xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán tại Công ty CP Louis Holdings và Công ty CP Chứng khoán Trí Việt.

Theo đó, Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân cùng đồng phạm đã thâu tóm một số doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phiếu thấp để sở hữu chéo, tạo thành “hệ sinh thái”. Đồng thời, mở nhiều tài khoản chứng khoán, khớp lệnh chéo, đẩy giá 2 mã BII và TGG lên cao, thu lợi bất chính 152 tỉ đồng.

Thế nhưng, những cổ phiếu “tăng sốc, giảm sâu” trên TTCK lại không hề hiếm gặp. Đơn cử như cổ phiếu L14 của Công ty CP Licogi 14 từng là một hiện tượng khi tăng “phi mã” từ vùng giá 60.000 đồng/cp (quý III/2021) lên gần 380.000 đồng/cp vào tháng 1/2022.  Nhưng đến cuối năm 2022, mã này có thời điểm giảm về 18.300 đồng/cp; hay như cổ phiếu APS, IDJ, API thuộc “họ Apec” của ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng từng “làm mưa, làm gió” với mức tăng trung bình gấp 10 lần chỉ trong thời gian ngắn, Chủ tịch HĐQT thậm chí còn phải hô hào “gồng lãi”.

"Liều vắc xin" quan trọng với thị trường

Dù không phải là trường hợp đầu tiên nhận mức xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, nhưng phải đến sự kiện khởi tố, bắt giam ông Trịnh Văn Quyết, giới chuyên gia mới đánh giá đây là liều vắc xin quan trọng với thị trường

Bởi lẽ, trong những sự việc trước, chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp và cấp dưới, đồng phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn tại vụ án Tập đoàn FLC, ngoài các cá nhân là thân tín, người nhà ông Trịnh Văn Quyết còn có các cá nhân thuộc cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đã giúp sức thực hiện hành vi phạm tội.

Tại phiên tòa xét xử, hai cựu lãnh đạo sàn HOSE Lê Hải Trà và Trần Đắc Sinh đều thừa nhận trên cương vị người quản lý cao nhất đã chỉ đạo cấp dưới "làm nhanh hồ sơ Faros”, dù kiểm toán và Ủy ban Kiểm toán đã có "lưu ý cẩn trọng" với hồ sơ của FLC Faros.

Bản thân ông Quyết và những người liên quan, gồm cả những cựu lãnh đạo nói trên tơi đây sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, sự việc này thể hiện sự nỗ lực nâng chất lượng , tính minh bạch, nhằm bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư của cơ quan điều hành.

Trong khoảng 2 năm trở đây, những cổ phiếu được coi là “hiện tượng” gần như vắng bóng

Điều này đã được minh chứng qua việc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã liên tục phát đi thông điệp đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.

Trong năm 2023, UBCKNN đã ra 145 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK, với tổng số tiền phạt hơn 34,4 tỷ đồng. Vi phạm phổ biến nhất là lỗi công bố thông tin và nổi cộm vẫn là các vụ thao túng giá cổ phiếu hay sai phạm liên quan trái phiếu.

Gần đây, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cũng khẳng định, cơ quan này đã tăng cường giám sát, thanh tra, tạo sự minh bạch cho TTCK. Đối với các trường hợp đăng ký mua/bán nhưng không thực hiện, UBCKNN sẽ yêu cầu có báo cáo giải trình và xem xét liệu có tác động/thao túng giá cổ phiếu không, và sẽ đưa ra những chế tài, xử phạt thích hợp, tạo sự nghiêm minh.

Trên thị trường, trong khoảng 2 năm trở đây, những “hiện tượng” cổ phiếu đã gần như vắng bóng. Biện pháp mạnh mẽ của cơ quan điều hành là 1 chuyện nhưng “chất” của các nhà đầu tư cũng được nâng theo, đồng thời các doanh nghiệp chân chính cũng từng bước nâng “chất” trong việc cải thiện công bố thông tin, chủ động tuân thủ quy định của HOSE, HNX. Trong đó, gây bất ngờ với nhóm vốn hóa nhỏ khi tỷ lệ chuẩn công bố thông tin tăng mạnh từ mức 46% lên 58%.