Gần 8% dân số Việt Nam có tài khoản chứng khoán: Bao nhiêu là nhà đầu tư thực chất?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận một điều “chưa từng có” khi tính đến cuối tháng 5, cả nước có tới gần 7,9 triệu tài khoản chứng khoán. Trong số này có tới 7,87 triệu nhà đầu tư cá nhân, tương đương gần 8% dân số.

Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VDSC) vừa có thông tin thông báo về lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 31/5/2024.

Lượng tăng nhanh

Cụ thể, trong tháng 5 đã có thêm 132.220 tài khoản chứng khoán được mở mới, nâng số lượng tài khoản tăng thêm trong 5 tháng đầu năm lên gần 645.000 tài khoản. Tính đến hết ngày 31/5/2024, tổng số lượng tài khoản trên sàn chứng khoán đã đạt gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm số lượng lớn đạt hơn 7,87 triệu tài khoản, hơn 46.300 tài khoản của người nước ngoài.

Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch vào năm 2025 và 11 triệu vào năm 2030. Như vậy, lượng tài khoản chứng khoán tính đến hiện tại còn cách mục tiêu ngắn hạn gần 1,1 triệu đơn vị.

tai-khoan-chung-khoan-1717839733.jpg
Tính đến ngày 31/5/2024, lượng nhà đầu tư chứng khoán cá nhân đã chiếm gần 8% dân số

Số lượng nhà đầu tư chứng khoán tăng kỷ lục trong bối cảnh VN-Index ở vùng đỉnh của khoảng 3 tháng gần đây, cũng như tương đương với mức giá cao nhất hồi tháng 8/2022. Trong tháng 5, chỉ số VN-Index đã tăng 4,3% lên 1.280 điểm. Tính chung trong 5 tháng qua, thị trường đã tích lũy được 11,7%, gần tương đương mức tăng của các năm 2023.

Sự tham gia tích cực của đông đảo các nhà đầu tư trong nước đang được xem là lực đối kháng trước xu hướng dòng tiền bán ròng của khối ngoại. Thanh khoản mỗi phiên giao dịch từ tháng 3 đến nay duy trì ở mức 20.000 tỉ đồng, có lúc vượt 40.000 tỉ đồng.

Điều này cũng phù hợp khi thị trường chứng khoán đang được giới chuyên gia đánh là kênh hấp dẫn khi nền kinh tế chung đang phục hồi, lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện.

Đánh giá về số lượng gần 8 triệu tài khoản của các nhà đầu tư trong nước, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, đây là con số khả quan nhưng so sánh với các nước khác thì tỷ lệ so sánh trên tổng dân số vẫn còn thấp. Trong xu hướng phát triển chung, thu nhập bình quân đầu người tăng lên thì số tài khoản chứng khoán trên tổng số dân có thể lên đến mức 10-15% trong 5-10 năm tới.

Đồng quan điểm nhưng ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Môi Giới, Công ty Chứng khoán Mirae Asset chỉ ra vẫn còn một số góc độ cần lưu ý, đó là số lượng tài khoản vẫn đang hoạt động không phải toàn bộ số báo cáo. Bên cạnh đó, trong số tài khoản mở mới có sự dịch chuyển giữa các công ty chứng khoán vì khuyến mãi. Về mặt tổng quan thì có thể tích cực nhưng về thực tế thì vẫn chưa thể hiện rõ.

Nhưng có tăng về chất?

Thực tế, trong chặng đường phát triển của thị trường chứng khoán trong suốt 24 năm qua, nhà đầu đầu tư cá nhân luôn đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất phải kể đến giai đoạn 2021 – 2022, đây được xem như một trận “đại náo” khiến thị trường bùng nổ mạnh mẽ.

Trong số hơn 7,8 triệu tài khoản nhà đầu tư cá nhân tính đến thời điểm hiện tại, đóng góp chủ yếu là trong giai đoạn 2021-2022 với hơn 4 triệu tài khoản được mở, chiếm hơn 50%.

Trong giai đoạn này, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh cô hàng nước, bác xe ôm hay những công chức bỏ bê công việc dán mắt vào màn hình xanh đỏ, người người nhà nhà “chơi chứng khoán” như một cơn sốt ở chốn đô thị.

nha-dau-tu-chung-khoan-1717839845.jpg
Bài học xương máu tại những kỳ lên xuống của thị trường trong nhiều năm qua vẫn còn nguyên đối với các nhà đầu tư F0

Không có con số thống kê cụ thể, nhưng hầu hết các chuyên gia đều đưa ra nhận định, phần lớn những nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường kể từ năm 2021 đến nay đều gần như không có kiến thức nền tảng về đầu tư, tài chính, chủ yếu đầu tư theo hô hào, “thấy người ta bảo lãi thì đầu tư”.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán luôn biến động, đi kèm với những phiên giao dịch lên đỉnh cũng là những pha đổ đèo đầy đau thương. Chỉ mấy ngày trước nhiều nhà đầu tư hân hoan trong niềm vui chiến thắng thì cũng chỉ với với thời gian ngắn, phải ngậm đắng nuốt cay vì đang lãi bốc chốc xa bờ, thậm chí cháy tài khoản vì đua lệnh cổ phiếu nóng.

Thực tế, tâm lý chung của gần như tất cả các nhà đầu tư mới của thị trường chứng khoán khi bắt đầu quyết định chọn cổ phiếu làm nơi xuống tiền đều khá thoải mái và chỉ dành một phần nhỏ tiền nhàn rỗi để tham gia cho biết, thậm chí sẵn sàng chấp nhận thất bại để học hỏi kinh nghiệm.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư đều bị cuốn theo đám đông và sóng thị trường, mua bán theo hô hào của. Đến lúc thị trường đi xuống thì cố bắt đáy, thì có người đã âm tới 50% tài khoản, đối với những người sử dụng đòn bẩy tài chính thậm chí còn phải cắm sổ đỏ để nạp thêm tiền tránh bị bán giải chấp. Số tiền lúc đầu coi đó là “học phí” ngày càng được tăng lên, lớn hơn rất nhiều, có người rơi vào cảnh nợ nần.

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, dù là nhà đầu tư mới hay nhà đầu tư chuyên nghiệp thì mục đích cuối cùng khi đầu tư chứng khoán vẫn là tìm kiếm lợi nhuận, chỉ khác ở cách tư duy và hành động. Nhà đầu tư lâu năm luôn trong tâm thế thận trọng, cảnh giác, họ hiểu chứng khoán là “đầu tư” chứ không phải “chơi” như nhà đầu tư mới.

Tuy nhiên, một lượng không nhỏ nhà đầu tư mới đã trải qua bài học xương máu tại các kỳ lên xuống của thị trường trong hơn 3 năm qua, những người nào chưa rời bỏ thị trường chắc chắn cũng đã vững vàng hơn.