Cơ hội và thách thức khi nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ cận biên lên mới nổi được xem là bước ngoặt quan trọng, khả năng sẽ hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030.

Tại Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”, TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định, việc nâng hạng thị trường này là bước ngoặt quan trọng cho giai đoạn phát triển mới, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

TS. Nguyễn Như Quỳnh cho biết, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tính đến ngày 12/4, chỉ số VN-Index đạt 1.276,6 điểm, tăng 13% so với cuối năm ngoái. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 6,8 triệu tỷ đồng.

Hiện tại, Việt Nam được 2 tổ chức quốc tế MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên. 

chung-khoan-1713377247.jpg
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trong trường hợp nếu MSCI và FTSE Russell nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi thì khả năng sẽ hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào năm 2030.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, nhận định, việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam, đảm bảo tiếp cận vốn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Đồng quan điểm, ông Ketut Kusuma - đại diện WB cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng to lớn. Tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ cơ hội phát triển thành nguồn cung vốn quan trọng. Các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là thị trường cận biên từ tháng 9/2018, nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng. 

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, việc nâng hạng có thể tác động tiêu cực đến thị trường. Cụ thể, thị trường chứng khoán có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm mạnh khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn. Nhiều trường hợp, việc rút vốn không phải do nguyên nhân nội tại mà từ sự biến động của thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Như Quỳnh lấy ví dụ, năm 2001, thị trường chứng khoán Hy Lạp được nâng hạng lên nhóm thị trường phát triển, bất chấp việc bong bóng trên thị trường mới đổ vỡ trước đó vài năm. Sau 2 năm, chứng khoán nước này đã giảm khoảng 45%, trong khi giá trị giao dịch bình quân giảm 17%.

Từ đó, ông Quỳnh đưa ra một số khuyến nghị cho thị trường. Cụ thể, cần thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ tăng trưởng nóng và nguy cơ đảo chiều dòng vốn trên thị trường để có kịch bản ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, theo dõi sát sao các dòng tiền vào thị trường chứng khoán, gồm: Dòng tiền từ tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân, khối ngoại, tín dụng (dư nợ lĩnh vực chứng khoán, tiền cho vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán ) và các kênh huy động vốn của công ty chứng khoán.

Nâng cao khả năng chống chịu của thị trường trước những cú sốc bên ngoài. Cụ thể, cần phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu; tập trung chú trọng nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính; thực thi chế tài nghiêm minh đối với các vi phạm…

chung-khoan33-1713377274.png
Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định, việc nâng hạng sẽ đẩy mạnh vị thế thị trường của Việt Nam.

Tương tự, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phân tích, việc nâng hạng sẽ là tín hiệu rõ ràng, cho thấy Việt Nam đã tiến bước dài hơn trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nâng hạng còn có thể giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp sẽ tham gia nhận định giá cổ phiếu trên thị trường, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc này còn hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước có thể mang về nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, quy mô lớn trên thị trường. Đồng thời, tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân. Hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường…

Ngoài những thuận lợi, theo ông Dũng, thách thức lớn nhất là phải đảm bảo thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định và duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp. Việc này đến từ việc các thị trường không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại hoặc đến từ sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng...

Vì vậy, để phát triển bền vững thì phải là một thị trường chứng khoán thực sự "khỏe mạnh", minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia.